Thuế VAT là gì? Tổng hợp đầy đủ các quy định về thuế VAT

Thuế vat là gì

Thuế VAT là loại thuế phát sinh thường gặp khi bạn sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó. Vậy thuế VAT là gì? Cùng NewCA tìm hiểu chi tiết tại bài viết dưới đây để hiểu hơn về đối tượng chịu thuế và không chịu thuế, hoàn thuế VAT và điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

1. Thuế VAT là gì? Đặc điểm cơ bản của thuế VAT

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) hay còn gọi là VAT — Value-Added Tax là loại thuế phổ biến nhất, hầu hết các loại hàng hóa đều đang phải chịu loại thuế này ở mức 10% hoặc 5%.

Theo điều 2 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 quy định:

“Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng”

Hiểu đơn giản, thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) là loại thuế được cộng vào giá bán của hàng hóa, dịch vụ và do người tiêu dùng sản phẩm chi trả khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó.

Thuế VAT có những đặc điểm cơ bản như:

– Là một loại thuế gián thu

Mặc dù người tiêu dùng là người chi trả thuế GTGT, nhưng người trực tiếp đóng thuế GTGT cho cơ quan nhà nước lại chính là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ đó. Khoản thuế này được nộp vào Ngân sách Nhà nước theo mức độ tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ.

– Là loại thuế có đối tượng chịu thuế lớn

Thuế GTGT được đánh thuế trên phạm vi toàn lãnh thổ. Đối với các trường hợp cần khuyến khích sử dụng thì Nhà nước sẽ không thực hiện đánh thuế hoặc đánh thuế với mức thuế suất thấp

>>> Xem thêm: Tìm hiểu về phần mềm kế toán tại NewCA

2. Thuế VAT nắm giữ những vai trò gì?

– Tăng nguồn thu cho Ngân sách nhà nước
– Thúc đẩy lưu thông hàng hóa
– Khuyến khích xuất – nhập khẩu
– Thúc đẩy chế độ hạch toán, kế toán, sử dụng hóa đơn, chứng từ và thanh toán qua ngân hàng

3. Đối tượng chịu thuế và không chịu thuế VAT

3.1. Đối tượng chịu thuế

Đối tượng chịu thuế VAT là hàng hoá, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam, bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.
Hầu hết các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng đều thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, các mức thuế suất phổ biến là 10%, 5%

Trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT được liệt kê bên dưới đây và nhóm chịu thuế GTGT 0%, 5%, các hàng hóa, dịch vụ còn lại chịu mức thuế suất VAT 0%

3.2. Đối tượng không chịu thuế GTGT

Theo điều 4 thông tư 219/2013/TT-BTC (được sửa đổi bởi Thông tư 151/2014/TT-BTC và Thông tư 26/2015/TT-BTC) quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng bao gồm:

– Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu
– Sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng, bao gồm trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền
– Tưới, tiêu nước; cày, bừa đất; nạo vét kênh, mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; dịch vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp
– Sản phẩm muối được sản xuất từ nước biển, muối mỏ tự nhiên, muối tinh, muối i-ốt mà thành phần chính là Na-tri-clo-rua (NaCl)
– Chuyển quyền sử dụng đất
– Các dịch vụ tài chính, kinh doanh chứng khoán, ngân hàng
– Nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước do Nhà nước bán cho người đang thuê.
– Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khoẻ
– Và một số đối tượng khác không chịu thuế GTGT được quy định theo pháp luật.

Khi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, doanh nghiệp sẽ không cần kê khai nộp thuế. Thuế GTGT đầu vào của các hàng hóa dịch vụ này sẽ được hạch toán trực tiếp vào chi phí hoặc nguyên giá tài sản.

Trường hợp DN sản xuất, kinh doanh đồng thời cả hàng hóa dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT, kế toán phải theo dõi riêng thuế VAT đầu vào của 2 nhóm hàng hóa dịch vụ này. Nếu không thể tách riêng được số thuế GTGT đầu vào dùng chung, kế toán tiến hành phân bổ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa dịch vụ chịu thuế theo tỉ lệ giữa doanh thu hàng hóa dịch vụ chịu thuế GTGT so với tổng doanh thu. 

4. Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào

Căn cứ Điều 15 thông tư 219/2013/TT-BTC (sửa đổi bởi khoản 10 điều 1 thông tư 26/2015/TT-BTC), điều 1 thông tư 173/2016/TT-BTC cơ sở kinh doanh để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào phải đáp ứng các quy định sau:

Có hóa đơn GTGT hợp pháp hoặc chứng từ nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho đối tác nước ngoài
Đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào từ 20 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt (bao gồm mua hàng của cùng một nhà cung cấp nhiều lần trong ngày, mà tổng giá trị các lần mua lớn hơn 20 triệu đồng)

Thông tư 173/2016/TT-BTC đã định nghĩa rõ ràng chứng từ thanh toán qua ngân hàng là việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán mở theo các hình thức thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật, bao gồm:

– Thẻ ngân hàng
– Thẻ tín dụng
– Ủy nhiệm chi hoặc lệnh chi
– Ủy nhiệm thu
– Séc
– Ví điện tử
– Các hình thức thanh toán khác theo quy định

Trường hợp bên mua hoặc bên bán
– Hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn trên 20 triệu (giá đã có thuế GTGT) nếu không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì không được khấu trừ
– Đối với hàng hóa, dịch vụ mua trả chậm, trả góp có giá trị hàng hóa, dịch vụ mua từ hai mươi triệu đồng trở lên => DN căn cứ vào hợp đồng, hóa đơn giá trị gia tăng và chứng từ thanh toán qua ngân hàng để kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

5. Hoàn thuế GTGT

Hoàn thuế VAT là một khoản thuế được cơ quan Nhà nước trả lại cho người nộp thuế sau khi họ đã nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Đây là khoản tiền đã thuộc Ngân sách nhà nước nhưng trả lại cho người nộp thuế số tiền thuế GTGT đầu vào đã nộp khi mua hàng hóa – dịch vụ.

5.1. Các trường hợp được hoàn thuế GTGT

Theo khoản 2, điều 1 thông tư 130/2016/TT-BTC và khoản 1 điều 18 thông tư 219/2013/TT-BTC, các trường hợp được hoàn thuế GTGT được quy định gồm:

Trường hợp 1: Cơ sở kinh doanh có dự án đầu tư chưa đi vào hoạt động (trừ một số điều kiện dự án không được hoàn thuế theo quy định của pháp luật)
Trường hợp 2: Cơ sở kinh doanh trong tháng, quý có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT theo tháng, quý.

Lưu ý: Trường hợp cơ sở kinh doanh có hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật Hải quan thì không được hoàn thuế.

Trường hợp 3: Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế GTGT khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế GTGT nộp thừa hoặc số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết.
Trường hợp 4: Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp được hoàn thuế đối với hàng hóa mua tại Việt Nam mang theo người khi xuất cảnh.
Trường hợp 5: Tổ chức ở Việt Nam sử dụng tiền viện trợ không hoàn lại, tiền viện trợ nhân đạo của tổ chức, cá nhân nước ngoài để mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo tại Việt Nam thì được hoàn số thuế GTGT đã trả cho hàng hóa, dịch vụ đó.
Trường hợp 6: Đối tượng được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao theo quy định của pháp luật về ưu đãi miễn trừ ngoại giao mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam để sử dụng được hoàn số thuế GTGT đã trả ghi trên hóa đơn GTGT hoặc trên chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán đã có thuế GTGT.
Trường hợp 7: Cơ sở kinh doanh có quyết định hoàn thuế GTGT của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và trường hợp hoàn thuế GTGT theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

5.2. Điều kiện để được hoàn thuế GTGT

Căn cứ Điều 19 Thông tư 219/2013/TT-BTC, các cơ sở kinh doanh, tổ chức thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT theo hướng dẫn tại điểm 1, 2, 3, 4, 5 Điều 18 Thông tư 219/2013/TT-BTC (trường hợp 1, 2, 3, 4 và 5 ở mục trên nếu có đủ điều kiện sau:

– Phải là cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ;
– Đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép đầu tư (giấy phép hành nghề) hoặc quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền, có con dấu theo đúng quy định của pháp luật
– Lập và lưu giữ sổ kế toán, chứng từ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán;
– Có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng theo mã số thuế của cơ sở kinh doanh.

Lưu ý: Nếu cơ sở kinh doanh đã kê khai đề nghị hoàn thuế trên Tờ khai thuế GTGT thì không được kết chuyển số thuế đầu vào đã đề nghị hoàn vào số thuế được khấu trừ của tháng tiếp theo.

6. Mức xử phạt khi nộp chậm, không nộp thuế VAT

Ngoài việc có nghĩa vụ nộp thuế vào NSNN thì cá nhân và tổ chức còn phải đảm bảo nộp đúng hạn và đúng số lượng. Nếu không hoàn thiện nộp thuế cho NSNN đúng hạn, cá nhân, tổ chức sẽ bị xử lý theo đúng quy định của Nhà nước. Theo đó:

– Mức tiền chậm nộp = 0,03% /ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp NSNN
– Thời gian tính chậm nộp: tính liên tục kể từ ngày tiếp theo của ngày phát sinh chậm nộp đến ngày liền kề phía trước ngày hoàn thiện nộp thuế cho NSNN
– Số thuế chậm nộp: Người nộp thuế phải tự xác định số tiền chậm nộp theo quy định và hoàn thiện nộp thuế cho NSNN sớm nhất. Nếu người nộp thuế có khoản tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp, thực hiện theo quy định của Khoản 1 – Điều 60 Luật số: 38/2019/QH14.
– Trường hợp đặc biệt: Sau 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, người nộp thuế chưa hoàn thiện nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, cơ quan có thẩm quyền trực tiếp thông báo cho người nộp thuế số tiền thuế, tiền phạt còn nợ và số ngày chậm nộp.

Doanh nghiệp cần nắm rõ các trường hợp phải nộp tiền chậm nộp và trường hợp không tính tiền chậm nộp để có được cái nhìn tổng thể chung nhất về cách thức xử lý doanh nghiệp chậm nộp thuế GTGT vào ngân sách nhà nước.

Bài viết liên quan:

————————

CÔNG TY CỔ PHẦN NEWCA

Nef Digital SEOON