Việc gia hạn nộp thuế năm 2023 được quy định như thế nào?

Việc gia hạn nộp thuế năm 2023 được quy định như thế nào?

Các trường hợp được gia hạn nộp thuế

Căn cứ theo khoản 1 Điều 62 Luật Quản lý thuế 2019, việc gian hạn nộp thuế được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(1) Bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp trường hợp bất khả kháng quy định tại khoản 27 Điều 3 của Luật Quản lý thuế 2019, bao gồm:

  • Người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ;
  • Các trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ.

(2) Phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh.

Người nộp thuế thuộc một trong các trường hợp được gia hạn nộp thuế nêu trên được gia hạn nộp thuế một phần hoặc toàn bộ tiền thuế phải nộp (khoản 2 Điều 62 Luật Quản lý thuế 2019).

Thời gian gia hạn nộp thuế

Thời gian gia hạn nộp thuế được quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Quản lý thuế 2019 như sau:

Thời gian gia hạnTrường hợp áp dụng
Không quá 02 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuếTrường hợp (1) tại Mục 1 nêu trên
Không quá 01 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuếTrường hợp (1) tại Mục 1 nêu trên

Lưu ý: Người nộp thuế không bị phạt và không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền nộp thuế trong thời gian gia hạn nộp thuế (khoản 4 Điều 62 Luật Quản lý thuế 2019).

Việc gia hạn nộp thuế năm 2023 được quy định như thế nào?

Gia hạn nộp thuế trong trường hợp đặc biệt

Theo quy định tại Điều 63 Luật Quản lý thuế 2019 và Điều 19 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, trong từng thời kỳ nhất định, khi đối tượng, ngành, nghề kinh doanh gặp khó khăn đặc biệt thì Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ quy định đối tượng, loại thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, thời gian, trình tự thủ tục, thẩm quyền, hồ sơ gia hạn nộp thuế. Việc gia hạn nộp thuế không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định.

Hồ sơ gia hạn nộp thuế

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Quản lý thuế 2019, người nộp thuế thuộc một trong các trường hợp được gia hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019 phải lập và gửi hồ sơ gia hạn nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp.

Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp căn cứ hồ sơ gia hạn nộp thuế để quyết định số tiền thuế được gia hạn, thời gian gia hạn nộp thuế (khoản 5 Điều 62 Luật Quản lý thuế 2019).

Hồ sơ gia hạn nộp thuế được quy định tại khoản 2 Điều 64 Luật Quản lý thuế 2019 và khoản 2 Điều 24 Thông tư 80/2021/TT-BTC bao gồm:

– Đối với trường hợp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ tại mục (1) nêu trên, hồ sơ bao gồm:

+ Văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế của người nộp thuế theo mẫu số 01/GHAN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư 80/2021/TT-BTC;

+ Tài liệu xác nhận về thời gian, địa điểm xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ của cơ quan có thẩm quyền (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế);

+ Văn bản xác định giá trị vật chất bị thiệt hại do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu;

+ Văn bản (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế) quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường thiệt hại (nếu có);

+ Các chứng từ (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế) liên quan đến việc bồi thường thiệt hại (nếu có).

– Đối với trường hợp bất khả kháng khác theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, hồ sơ bao gồm:

+ Văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế của người nộp thuế theo mẫu số 01/GHAN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư 80/2021/TT-BTC;

+ Văn bản xác định giá trị vật chất bị thiệt hại do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu;

+ Tài liệu xác nhận về thời gian, địa điểm xảy ra bất khả kháng của cơ quan có thẩm quyền; tài liệu chứng minh người nộp thuế phải ngừng, nghỉ sản xuất, kinh doanh đối với trường hợp do chiến tranh, bạo loạn, đình công mà người nộp thuế phải ngừng, nghỉ sản xuất, kinh doanh (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế);

+ Tài liệu chứng minh việc gặp rủi ro không thuộc nguyên nhân, trách nhiệm chủ quan của người nộp thuế và người nộp thuế không có khả năng nguồn tài chính nộp ngân sách nhà nước đối với trường hợp bị thiệt hại do gặp rủi ro không thuộc nguyên nhân, trách nhiệm chủ quan của người nộp thuế (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế);

+ Các chứng từ (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế) liên quan đến việc bồi thường thiệt hại của cơ quan bảo hiểm (nếu có).

– Đối với trường hợp di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo mục (2) nêu trên. Hồ sơ bao gồm:

+ Văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế của người nộp thuế theo mẫu số 01/GHAN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư 80/2021/TT-BTC;

+ Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh đối với người nộp thuế (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế);

+ Đề án hoặc phương án di dời, trong đó thể hiện rõ kế hoạch và tiến độ thực hiện di dời của người nộp thuế (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế).

Lời kết 

Bài viết trên của NewCA đã giải đáp chi tiết câu hỏi: “Việc gia hạn nộp thuế năm 2023 được quy định như thế nào?”. Để tìm hiểu thêm nhiều bài viết về chủ đề này, các bạn hãy tiếp tục theo dõi website của chúng tôi nhé.

CÔNG TY CỔ PHẦN NEWCA

Nef Digital SEOON