Tìm hiểu về dịch vụ bảo hiểm
Bảo hiểm từ lâu đã gắn liền với cuộc sống của con người bởi những lợi ích vô cùng to lớn. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo hiểm, giúp đưa các gói sản phẩm đến gần hơn với khách hàng, rút ngắn và đơn giản hoá các thủ tục hợp đồng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ dịch vụ bảo hiểm là gì và những thông tin bạn cần nắm chắc về dịch vụ bảo hiểm.
Tìm hiểu về dịch vụ bảo hiểm và các loại hình bảo hiểm phổ biến
Bảo hiểm là một hoạt động giúp người tham gia có quyền được hưởng các khoản trợ cấp bảo hiểm. Bảo hiểm sẽ hỗ trợ chi trả một phần nào đó nếu có rủi ro thiệt hại về người và tài sản xảy ra thông qua các khoản đóng góp cố định cho bản thân người tham gia bảo hiểm hoặc một bên thứ 3. Khoản chi phí này sẽ do một tổ chức cụ thể chịu trách nhiệm đối với toàn bộ vấn đề đền bù và thiệt hại cho người tham gia bảo hiểm theo chế độ.
Dịch vụ bảo hiểm là dịch vụ kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm với mục đích sinh lợi. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận các rủi ro của người tham gia bảo hiểm với điều kiện người đó phải đóng các khoản phí bảo hiểm cố định để doanh nghiệp chi trả cho người được thụ hưởng hoặc bồi thường khi có thiệt hại về người hoặc tài sản xảy ra.
Doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập, tổ chức và hoạt động dựa trên quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, cả người bán và người mua đều phải tuân thủ các điều kiện sau:
- Cá nhân, tổ chức có nhu cầu tham gia bảo hiểm chỉ được tham gia tại các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có thể lựa chọn tham gia bảo hiểm tại các doanh nghiệp Việt Nam hoặc sử dụng dịch vụ bảo hiểm xuyên biên giới nếu có nhu cầu.
- Doanh nghiệp bảo hiểm phải đảm bảo tài chính để hoàn thành các cam kết của mình đối với người mua.
Căn cứ vào đối tượng bảo hiểm, bảo hiểm được chia ra thành 3 loại hình chính:
Bảo hiểm tài sản
Bảo hiểm tài sản là loại bảo hiểm mà đối tượng được bảo hiểm là tài sản của người mua bảo hiểm. Đây là loại hình ngày càng được người dùng yêu thích để đảm bảo an toàn cho những tài sản có giá trị cao. Ví dụ như: bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm xe máy, bảo hiểm xe chở hàng, bảo hiểm ô tô,...
Bảo hiểm con người
Bảo hiểm con người gồm các loại bảo hiểm liên quan đến tính mạng, tuổi thọ, tình trạng sức khoẻ của người mua bảo hiểm. Loại bảo hiểm này áp dụng cho những trường hợp xảy ra sự cố ngoài ý muốn. Ví dụ: Bảo hiểm Vững Tâm An - PTI, bảo hiểm tai nạn cá nhân, bảo hiểm phẫu thuật, bảo hiểm nhân thọ,...
Số tiền thanh toán bảo hiểm sẽ dựa trên quy định chủ quan của hợp đồng và số tiền đóng bảo hiểm định kỳ được thỏa thuận khi ký kết hợp đồng, không dựa trên thiệt hại thực tế. Không giống với bảo hiểm tài sản, đối tượng tham gia bảo hiểm con người có thể được thanh toán tiền bảo hiểm bởi nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Trách nhiệm dân sự của một người là trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản, con người do lỗi của mình gây ra cho người khác. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự có thể kể đến các loại như: bảo hiểm trách nhiệm của chủ xe cơ giới, bảo hiểm trách nhiệm của người sử dụng lao động, …
Trong hợp đồng bảo hiểm, trách nhiệm dân sự sẽ bao gồm trách nhiệm dân sự theo hợp đồng và trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng. Các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đảm bảo cho các trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng. Người được bảo hiểm là người tham gia bảo hiểm nhưng người thụ hưởng quyền lợi từ bảo hiểm là một bên thứ 3 khác.
Bên thứ ba trong hoạt động bảo hiểm trách nhiệm là những người bị thiệt hại về tính mạng và tài sản trong sự cố không may xảy ra được quy định trong bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường.
Vai trò của bảo hiểm trong đời sống
Bảo hiểm có thể được coi là giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ những người tham gia vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Dưới đây là những vai trò cụ thể của bảo hiểm đối với đời sống con người;
- Bảo hiểm giúp chuyển giao rủi ro, giàn trải tổn thất và giảm thiểu thiệt hại hết mức có thể cho những người tham gia bảo hiểm.
- Không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, bảo hiểm còn giúp người mua ổn định tinh thần nếu có bất kỳ sự cố không may nào xảy ra.
- Tham gia bảo hiểm cũng chính là bạn đang đóng góp vào quỹ dự trữ tài chính tại các doanh nghiệp bảo hiểm để chi tra hoặc bồi thường cho những người không may mắn khác.
- Đây còn là một nguồn đầu tư phát triển kinh tế và tạo ra cơ hội việc làm cho nhiều người.
Nguyên tắc sử dụng bảo hiểm
Khi cung cấp dịch vụ cũng như sử dụng bảo hiểm, bạn cần nắm chắc các nguyên tắc sau đây để hợp đồng được diễn ra thuận lợi, đúng theo quy định của pháp luật và tránh những rủi ro không đáng có.
Đảm bảo tính trung thực
Hợp đồng bảo hiểm chỉ có giá trị pháp lý khi được thành lập dựa trên cơ sở trung thực thông tin giữa hai bên là người bán và người mua gói bảo hiểm.
Quyền lợi được bảo hiểm
Cá nhân, tổ chức có quyền được bảo hiểm nếu họ nhận được lợi ích về kinh tế hợp pháp và không gây ra tổn hại khi đối tượng thụ hưởng bảo hiểm chịu ảnh hưởng từ ác rủi ro bất ngờ.
Nguyên tắc chuyển giao quyền hợp pháp
Nguyên tắc này sẽ được áp dụng khi có bên thứ ba phải chịu trách nhiệm cho thiệt hại của đối tượng bảo hiểm. Các công ty, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thế quyền người mua để đòi đền bù từ bên thứ ba theo hạn mức quy định sau khi hoàn tất bồi thường cho người tham gia bảo hiểm.
Nguyên tắc bồi thường
Người tham gia bảo hiểm sẽ nhận được khoản tiền bồi thường bảo hiểm không được lớn hơn thiệt hại của họ nếu có rủi ro xảy ra. Từ đó, ngăn ngừa việc trục lợi có thể xảy ra.
Nguyên tắc đóng góp bồi thường
Khi cá nhân hoặc tổ chức tham gia cùng lúc nhiều bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm này sẽ cùng nhau đóng góp để bồi thường khi có thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, khoản tiền này vẫn phải đảm bảo không lớn hơn giá trị thiệt hại của đối tượng tham gia bảo hiểm.
Nguyên tắc “Nguyên nhân gần”
Công ty bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm chi trả các tổn thất khi nó được gây ra bởi một chuỗi các sự kiện liên quan đến nhau, nằm trong phạm vi các rủi ro cho phép của hợp đồng.
Các sự kiện, thiệt hại xảy ra được hưởng sự bồi thường từ bảo hiểm không được có sự can thiệp hay tác động từ các nguồn nguyên nhân độc lập khác.
Hợp đồng bảo hiểm và những quy định bạn cần biết
Hợp đồng bảo hiểm là một trong những yếu tố quan trọng mà bạn cần phải nắm chắc các thông tin để đảm bảo quyền lợi của bản thân khi tham gia bảo hiểm
Hợp đồng bảo hiểm là gì?
Căn cứ theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp cung cấp bảo hiểm. Nội dung trong hợp đồng phải được sự thống nhất và đồng ý của cả hai bên, đảm bảo các quyền lợi của người mua lẫn người bán.
Theo đó, người tham gia phải đóng phí bảo hiểm định kỳ theo quy định, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiểm phải thanh toán tiền bảo hiểm cho người được thụ hưởng và bồi thường khi có sự kiện không may xảy ra.
Các loại hợp đồng bảo hiểm bao gồm: Hợp đồng bảo hiểm con người, Hợp đồng bảo hiểm tài sản và Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
Quy định của pháp luật về hợp đồng bảo hiểm
Theo Điều 13, 14, 15, 16 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, những quy định cụ thể về hợp đồng bảo hiểm như sau:
Về hình thức
- Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản.
- Các hình thức bằng chứng giao kết hợp đồng được pháp luật quy định: giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác.
Về nội dung
Hợp đồng bảo hiểm được coi là đúng quy định của pháp luật khi bao gồm đầy đủ các nội dung sau đây:
- Tên, địa chỉ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiểm, người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng
- Đối tượng tham gia bảo hiểm
- Số tiền bảo hiểm, giá trị tài sản được chi trả đối với bảo hiểm tài sản
- Phạm vi chi trả bảo hiểm, điều kiện, điều khoản bảo hiểm
- Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm
- Thời hạn được chi trả bảo hiểm
- Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm
- Thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường
- Quy định giải quyết tranh chấp
- Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng
Hợp đồng bảo hiểm có thể đính kèm các nội dung khác đã được các bên thỏa thuận và nằm ngoài quy định của pháp luật.
Về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm
Trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:
- Hợp đồng bảo hiểm đã được ký kết và người tham gia bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm
- Hợp đồng bảo hiểm đã ký kết có thoả thuận giữa người mua và người bán về việc người mua nợ phí bảo hiểm
- Có xác nhận hợp đồng được ký kết và người mua đã thanh toán đủ phí bảo hiểm
Về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm
Điều khoản này cho biết các trường hợp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiểm không cần bồi thường hoặc chi trả tiền bảo hiểm khi có sự kiện rủi ro xảy ra. Cả bên mua và bên bán đều phải đồng ý và nắm rõ điều khoản này trước khi đưa vào hợp đồng và ký kết.
Tuy nhiên, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm không được áp dụng trong trường hợp bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý.
Trên đây là toàn bộ thông tin tổng quan nhất về dịch vụ bảo hiểm và những quy định về hợp đồng bảo hiểm. Mong rằng những chia sẻ trên sẽ hữu ích với người đọc, đặc biệt là các khách hàng đang tìm kiếm gói bảo hiểm phù hợp.