Câu chuyện thưởng tết 2024 luôn là chủ đề nóng được người lao động quan tâm nhất mỗi dịp kết thúc năm âm lịch. NewCA xin tổng hợp các quy định về thưởng tết theo bộ luật lao động để người lao động nắm rõ thông qua bài viết dưới đây.
Mục lục
Quy định pháp luật hiện hành về thưởng
Các quy định pháp luật của Việt Nam hiện nay không quy định thưởng hay thưởng Tết cho người lao động là bắt buộc, tuy nhiên doanh nghiệp cần phải nắm vững những hướng dẫn quan trọng của pháp luật sau đây:
Điều 104 của Bộ Luật lao động số 45/2019/QH14 (gọi tắt là “Luật lao động năm 2019”) quy định như sau:
- Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
- Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Như vậy, căn cứ vào quy định của Luật lao động năm 2019, doanh nghiệp lưu ý một số điểm chính sau đây:
- Pháp luật Việt Nam hiện nay không đưa ra quy định cụ thể về “thưởng Tết” mà chỉ quy định chung về “thưởng” và “quy chế thưởng”.
- Doanh nghiệp căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động để thưởng Tết, tuy nhiên đây không phải là khoản bắt buộc theo pháp luật.
- Thưởng có thể bằng tiền, tài sản hoặc bằng các hình thức khác theo tình hình thực tế của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp phải công bố công khai Quy chế thưởng tại nơi làm việc để tất cả người lao động đều nắm rõ.
Xem thêm: Lương tháng 13 là gì? Những điều cần biết về lương tháng 13
Mức tiền thưởng Tết 2024 cho người lao động, cán bộ, công chức, viên chức là bao nhiêu?
(1) Đối với người lao động
Theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019, thưởng tết cho người lao động không phải phải là quy định bắt buộc. Mà căn cứ vào tình hình hoạt động kinh doanh của công ty, các chỉ số hiệu quả, năng suất làm việc và mức độ hoàn thành công việc của người lao động trong một năm mà doanh nghiệp có thể xây dựng quy chế nội bộ của doanh nghiệp về việc thưởng tết cho người lao động.
Tùy vào tình hình hoạt động của doanh nghiệp mà doanh nghiệp có thể xây dựng quy chế thưởng tết cho người lao động một lần hoặc theo từng năm.
Do đó, mức thưởng tết hằng năm (đối với doanh nghiệp có thực hiện thưởng tết cho người lao động) cho người lao động sẽ do doanh nghiệp tự quyết định dựa vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và các chỉ số mức độ hoàn thành công việc của từng người lao động.
(2) Đối với cán bộ, công chức, viên chức
Theo quy định tại điểm a khoản 3.1 mục 3 Phần II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu khi thiết kế cơ cấu tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) phải bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Quốc hội quyết định chưa thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương trong năm 2023.
Do đó, đối với tiền thưởng của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể như sau:
– Theo khoản 2 Điều 12 Luật Cán bộ, công chức 2008: Cán bộ, công chức được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
– Theo khoản 2 và khoản 3 Điều 12 Luật Viên chức 2010: Viên chức được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập; được hưởng tiền thưởng, được xét nâng lương theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.
Tóm lại, cho đến thời điểm hiện tại pháp luật chưa có quy định riêng về tiền thưởng Tết. Pháp luật không bắt buộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải thưởng Tết cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Do đó, đối với dịp Tết Giáp Thìn 2024, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có được nhận tiền thưởng Tết hay không phụ thuộc vào quỹ tiền lương/thưởng, quy chế/quy định, thỏa thuận trước đó của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Nếu được thưởng Tết Giáp Thìn 2024 thì hình thức thưởng là tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác theo quy định của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Tiền thưởng Tết 2024 có phải chịu thuế thu nhập cá nhân?
Khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (được sửa đổi bởi Khoản 1, Điều 1, Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012) quy định thu nhập chịu thuế có nêu rõ, thu nhập chịu thuế cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công
Ngoài ra, Điểm a Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định về thu nhập chịu thuế bao gồm:
“2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công nhận được dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.”
Bên cạnh đó, Điểm e Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân có quy định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm cả tiền thưởng. Tiền thưởng tết không thuộc các khoản thưởng được miễn thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Thông tư này:
“Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
e) Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán, trừ các khoản tiền thưởng sau đây:
e.1) Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, bao gồm cả tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, cụ thể:
e.1.1) Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua như Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chiến sĩ thi đua cơ sở, Lao động tiên tiến, Chiến sỹ tiên tiến.
e.1.2) Tiền thưởng kèm theo các hình thức khen thưởng.
e.1.3) Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu do Nhà nước phong tặng.
e.1.4) Tiền thưởng kèm theo các giải thưởng do các Hội, tổ chức thuộc các Tổ chức chính trị, Tổ chức chính trị – xã hội, Tổ chức xã hội, Tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Trung ương và địa phương trao tặng phù hợp với điều lệ của tổ chức đó và phù hợp với quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng.
e.1.5) Tiền thưởng kèm theo giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước.
e.1.6) Tiền thưởng kèm theo Kỷ niệm chương, Huy hiệu.
e.1.7) Tiền thưởng kèm theo Bằng khen, Giấy khen.
Thẩm quyền ra quyết định khen thưởng, mức tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng nêu trên phải phù hợp với quy định của Luật Thi đua khen thưởng.
e.2) Tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận.
e.3) Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.
e.4) Tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.”
Dựa vào các căn cứ pháp luật trên, các khoản thưởng Tết bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Do thưởng Tết có tính chất như tiền lương, tiền công mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động và không thuộc các khoản tiền thưởng được miễn chịu thuế thu nhập cá nhân. Do đó, người lao động nhận tiền thưởng tết phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật.
Cách tính thưởng Tết 2024 cho người lao động
Công thức tính thưởng Tết phổ biến
Mức thưởng = Tỉ lệ thưởng (% năng suất lao động + % thâm niên công tác) x Tiền lương trung bình hàng tháng
Trong đó:
- % năng suất lao động: Căn cứ vào kết quả đánh giá của trưởng bộ phận, quản lý trực tiếp của người lao động. (Ví dụ: Xuất sắc = 100%; Tốt = 80%; Khá = 50%; Trung bình = 30%; Yếu = 10%)
- % thâm niên công tác: Tính từ ngày ký hợp đồng chính thức đến ngày 31/12 dương lịch của năm đó (Ví dụ: Dưới 1 năm = 10%; Từ 1 – 2 năm = 30%; Từ 2 – 3 năm = 50%; Từ 3 – 4 năm = 70%; Từ 5 – 7 năm = 90%; Từ 7 năm trở lên = 100%)
Ví dụ:
Doanh nghiệp A quyết định về quy chế thưởng Tết Âm lịch theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, dựa trên hiệu quả làm việc và thâm niên làm việc của người lao động. Người lao động B có thâm niên làm việc 3 năm, mức lương hàng tháng là 12 triệu đồng và hiệu quả làm việc trong năm được đánh giá đạt 80%.
Vậy tiền thưởng Tết của người lao động này sẽ được tính như sau:
Tiền thưởng Tết của người lao động B = 12 triệu x (80% + 50%) = 15,6 triệu đồng
Lưu ý: Đây chỉ là ví dụ mang tính chất tham khảo chứ không phải công thức tính thưởng Tết chung cho tất cả các doanh nghiệp
Tạm kết
Trên đây là những thông tin tổng hợp của NewCA về chủ đề thưởng tết 2024. Mong rằng người lao động năm nay sẽ nhận được khoản thưởng tết như mong muốn để có một cái tết ấm no, sung túc. NewCA kính chúc bạn đọc một năm mới an khang thịnh vượng, tấn tài tấn lộc.