Các vấn đề pháp lý nổi bật tháng 02/2023 có liên quan đến kế toán, nhân sự, tiền lương và BHXH. Để tìm hiểu rõ hơn về các vấn đề này, mời các bạn theo dõi trong bài viết dưới đây.
Từ tháng 02/2023, có những vấn đề pháp lý nổi bật sau đây mà người lao động và doanh nghiệp cần biết để bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của mình:
Mục lục
Công việc về kế toán, nhân sự mà doanh nghiệp cần làm tháng 02/2023
Thông báo tình hình biến động lao động hằng tháng (nếu có)
Trong trường hợp số lượng lao động làm việc tại doanh nghiệp trong tháng 01/2023 thay đổi (tăng hoặc giảm) thì doanh nghiệp phải thực hiện việc thông báo tình hình biến động lao động tháng 01/2023 như sau:
– Thành phần hồ sơ: Thông báo về tình hình biến động lao động của người sử dụng lao động (sử dụng Mẫu số 29 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH).
– Nơi nộp hồ sơ: Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở chính.
– Hạn nộp hồ sơ: trước ngày 03/02/2023 (thứ Sáu).
Ngược lại, trong trường hợp số lượng lao động làm việc tại doanh nghiệp trong tháng 01/2023 không thay đổi thì doanh nghiệp không cần thực hiện việc thông báo nêu trên.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải gửi thông báo đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở chính trong tháng 02/2023 nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
– Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập, doanh nghiệp phải thông báo ban đầu về số lao động đang làm việc tại doanh nghiệp theo Mẫu số 28 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH.
– Trường hợp trong tháng 02/2023, doanh nghiệp giảm từ 50 lao động trở lên thì phải thông báo ngay cho trung tâm dịch vụ việc làm để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
(Căn cứ Điều 16 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH).
Vấn đề pháp lý về trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc
Doanh nghiệp thực hiện việc trích nộp tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bắt buộc cho tháng 01/2023 như sau:
– Doanh nghiệp (trừ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp) phải trích tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc.
– Thời hạn trích nộp tiền đóng bảo hiểm chậm nhất ngày cuối cùng của tháng, cụ thể là thứ Ba ngày 28/02/2023.
(Căn cứ Điều 6, khoản 1 Điều 7, khoản 1 Điều 17 và khoản 1 Điều 19 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017).
Trích nộp kinh phí Công đoàn
Doanh nghiệp tiến hành việc trích nộp kinh phí Công đoàn tháng 01/2023 như sau:
– Mức đóng: bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động.
Cụ thể, quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc.
– Kinh phí Công đoàn phải được trích đóng một lần vào mỗi tháng.
– Hạn chót đóng: ngày 28/02/2023 (thứ Ba).
(Căn cứ Điều 5 và Điều 6 Nghị định 191/2013/NĐ-CP).
Những công việc kế toán mà doanh nghiệp cần tiến hành vào tháng 02/2023
Vấn đề pháp lý về khai và nộp thuế giá trị gia tăng theo tháng
Doanh nghiệp sẽ phải khai và nộp thuế giá trị gia tăng cho tháng 01/2023 trong trường hợp thuộc diện khai thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) theo tháng, cụ thể như sau:
Tờ khai thuế GTGT theo tháng
Tùy thuộc vào phương pháp tính thuế, tờ khai thuế GTGT áp dụng theo các mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC như sau:
– Phương pháp khấu từ (trừ trường hợp có dự án thuộc diện hoàn thuế hoặc có hoạt động xây dựng): sử dụng Mẫu 01/GTGT.
– Phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư thuộc diện được hoàn thuế: sử dụng Mẫu 02/GTGT.
– Phương pháp khấu trừ có hoạt động xây dựng: sử dụng Mẫu 05/GTGT.
– Phương pháp trực tiếp trên GTGT (áp dụng đối với hoạt động mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý): sử dụng Mẫu 03/GTGT.
– Phương pháp trực tiếp trên doanh thu: sử dụng Mẫu 04/GTGT.
Thời hạn nộp hồ sơ khai và nộp tiền thuế
Chậm nhất là vào ngày 20/02/2023 (thứ Hai), doanh nghiệp phải nộp tờ khai thuế và tiền thuế giá trị gia tăng (Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 44, khoản 1 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019).
Khai và nộp thuế thu nhập cá nhân theo tháng
Căn cứ khoản 3 Điều 7 và Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP (được bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP), đối với doanh nghiệp thuộc diện khai thuế thu nhập cá nhân (thuế TNCN) theo tháng, nếu doanh nghiệp có phát sinh việc khấu trừ thuế TNCN trước khi trả tiền lương cho người lao động trong tháng 01/2023 thì phải khai và nộp thuế TNCN như sau:
Tờ khai thuế TNCN
Doanh nghiệp nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân theo Mẫu số 05/KK-TNCN (quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC).
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế và tiền thuế: Chậm nhất là vào thứ Hai, ngày 20/02/2023 tăng (Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 44, khoản 1 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019).
Người lao động cần biết mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội năm 2023
Từ ngày 20/02/2023, Thông tư 01/2023/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội bắt đầu có hiệu lực thi hành (các quy định tại Thông tư 01/2023/TT-BLĐTBXH áp dụng kể từ ngày 01/01/2023).
Theo đó, đối tượng áp dụng của Thông tư 01/2023/TT-BLĐTBXH này bao gồm:
(i) Đối tượng điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 10 Nghị định 115/2015/NĐ-CP bao gồm:
– Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2016 trở đi, hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2023.
– Người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2023.
(ii) Đối tượng điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 134/2015/NĐ-CP là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2023.
Cấp giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người nhiễm Covid-19 điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Từ ngày 15/02/2023, Thông tư 18/2022/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, việc cấp giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người nhiễm Covid-19 điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau:
(i) Đối tượng cấp: Người nhiễm Covid-19 điều trị nội trú hoặc ngoại trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây:
– Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009.
– Các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 được thành lập theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 168/NQ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ, như sau:
+ Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19.
+ Bệnh viện điều trị Covid-19.
+ Bệnh viện hồi sức cấp cứu Covid-19.
+ Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19.
(ii) Thẩm quyền cấp: Người đứng đầu các cơ sở quy định tại khoản (i) nêu trên hoặc người được người đứng đầu ủy quyền theo quy định của pháp luật.
(iii) Quy định về cấp giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội:
– Người bệnh sau khi kết thúc điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Thông tư 18/2022/TT-BYT. Trường hợp giấy đã cấp trước ngày 15/02/2023 không đúng mẫu theo quy định Thông tư 56/2017/TT-BYT, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cấp lại theo quy định tại Thông tư 18/2022/TT-BYT. Đối với giấy ra viện ghi ngày vào viện, ngày ra viện theo hồ sơ bệnh án điều trị nội trú; ngày, tháng, năm trên phần chữ ký của người hành nghề theo ngày cấp.
– Trường hợp người lao động đã điều trị Covid-19 nhưng chưa được cấp giấy ra viện hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người lao động đã điều trị Covid-19 căn cứ đề nghị của người đó và hồ sơ bệnh án để cấp giấy ra viện hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Đối với giấy ra viện ghi ngày vào viện và ngày ra viện ghi theo hồ sơ bệnh án điều trị nội trú: ngày, tháng, năm trên phần chữ ký của người hành nghề theo ngày cấp.
– Trường hợp người bệnh sau khi ra viện và trong giấy ra viện có ghi thông tin về thời gian tiếp tục điều trị ngoại trú hoặc thời gian cách ly thì thời gian nghỉ việc được xác định theo thời gian ghi trong giấy ra viện.
– Trường hợp người bệnh sau khi ra viện và trong giấy ra viện không ghi thông tin về thời gian tiếp tục điều trị ngoại trú nhưng người bệnh phải cách ly theo quy định thì thời gian nghỉ việc được xác định theo thời gian cách ly quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư 18/2022/TT-BYT.
– Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 đã giải thể, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được giao phụ trách quản lý, điều hành cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo quy định tại khoản c mục V Quyết định 4111/QĐ-BYT ngày 26/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng chịu trách nhiệm cấp hoặc cấp lại hoặc cấp mới giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người bệnh.
– Việc cấp, sử dụng mẫu giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Phụ lục 3 và Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư 18/2022/TT-BYT.
Lời kết
Trên đây là toàn bộ các vấn đề pháp lý nổi bật tháng 02/2023 mà người lao động và doanh nghiệp cần biết. NewCA hy vọng đã cập nhật kịp thời và mang lại hiệu quả cho công việc của các bạn. Để theo dõi thêm nhiều thông tin bổ ích, đừng quên theo dõi các bài viết trên website của NewCA nhé.
CÔNG TY CỔ PHẦN NEWCA
- Tổng đài CSKH: 1900 2066
- Hotline: 0936 208 068
- Website: https://newca.vn/