Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2023 sẽ có những thay đổi gì cần lưu ý? Trong bài viết dưới đây, NewCA sẽ nêu lên 4 điểm về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2023 mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần quan tâm.
Mục lục
Các phương pháp tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2023
Theo quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 4, khoản 1 Điều 5 và Điều 6 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được áp dụng các phương pháp tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sau:
– Phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm là việc xác định thuế theo phần trăm (%) của trị giá tính thuế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Theo đó, số tiền thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được xác định căn cứ vào trị giá tính thuế và thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (%) của từng mặt hàng tại thời điểm tính thuế.
– Phương pháp tính thuế tuyệt đối là việc ấn định số tiền thuế nhất định trên một đơn vị hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Theo đó, số tiền thuế áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được xác định căn cứ vào lượng hàng hóa thực tế xuất khẩu, nhập khẩu và mức thuế tuyệt đối quy định trên một đơn vị hàng hóa tại thời điểm tính thuế.
– Phương pháp tính thuế hỗn hợp là việc áp dụng đồng thời phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và phương pháp tính thuế tuyệt đối.
Theo đó, số tiền thuế áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được xác định là tổng số tiền thuế theo tỷ lệ phần trăm và số tiền thuế tuyệt đối.
Trị giá tính thuế, thời điểm tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2023
– Trị giá tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là trị giá hải quan theo quy định khoản 2 và khoản 3 Điều 86 Luật hải quan 2014, cụ thể như sau:
+ Trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu là giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất, không bao gồm phí bảo hiểm và phí vận tải quốc tế.
+ Trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên, phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Thời điểm tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.
Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hoặc áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối trong hạn ngạch thuế quan nhưng được thay đổi về đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối trong hạn ngạch thuế quan theo quy định của pháp luật thì thời điểm tính thuế là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới.
Thời điểm đăng ký tờ khai hải quan thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan.
Hiện nay đối tượng nào phải chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu?
Theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 và Điều 2 Nghị định 134/2016/NĐ-CP, các đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2023 bao gồm:
Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam
Hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam thì thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan
Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan là đối tượng chịu thuế xuất khẩu. Cụ thể các trường hợp hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan như sau:
– Hàng hóa xuất khẩu từ trong nước vào doanh nghiệp chế xuất.
– Hàng hóa xuất khẩu từ trong nước vào khu chế xuất.
– Hàng hóa xuất khẩu từ trong nước vào kho bảo thuế.
– Hàng hóa xuất khẩu từ trong nước vào kho ngoại quan.
– Hàng hóa xuất khẩu từ trong nước vào các khu phi thuế quan khác phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016. Cụ thể, khoản 1 Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 quy định như sau:
Điều 4. Giải thích từ ngữ
1. Khu phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, được thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.
Hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước
Hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước là đối tượng chịu thuế nhập khẩu. Cụ thể các trường hợp hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước như sau:
– Hàng hóa nhập khẩu từ doanh nghiệp chế xuất vào thị trường trong nước.
– Hàng hóa nhập khẩu từ khu chế xuất vào thị trường trong nước.
– Hàng hóa nhập khẩu từ kho bảo thuế vào thị trường trong nước.
– Hàng hóa nhập khẩu từ kho ngoại quan vào thị trường trong nước.
– Hàng hóa nhập khẩu từ các khu phi thuế quan khác phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 vào thị trường trong nước.
Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ
Theo Điều 35 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ bao gồm:
– Hàng hóa đặt gia công tại Việt Nam và được tổ chức, cá nhân nước ngoài đặt gia công bán cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam (nói cách khác, tổ chức, cá nhân nước ngoài đem hàng hóa đặt gia công tại Việt Nam bán cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam).
– Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan.
– Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.
Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối
Hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối là hàng hóa do doanh nghiệp chế xuất xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối theo quy định của pháp luật thương mại, pháp luật đầu tư.
Có trường hợp nào không phải áp dụng quy định về đối tượng chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu không?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nêu tại mục 1 không áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
– Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển.
– Hàng hóa viện trợ nhân đạo, hàng hóa viện trợ không hoàn lại.
– Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác.
– Phần dầu khí được dùng để trả thuế tài nguyên cho Nhà nước khi xuất khẩu.
Thời hạn nộp thuế năm 2023 được quy định như thế nào?
Hiện nay, thời hạn nộp thuế được quy định tại Điều 9 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 được quy định như sau:
Điều 9. Thời hạn nộp thuế
1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa theo quy định của Luật hải quan, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp thì được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa nhưng phải nộp tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế kể từ ngày được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa đến ngày nộp thuế. Thời hạn bảo lãnh tối đa là 30 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Trường hợp đã được tổ chức tín dụng bảo lãnh nhưng hết thời hạn bảo lãnh mà người nộp thuế chưa nộp thuế và tiền chậm nộp thì tổ chức bảo lãnh có trách nhiệm nộp đủ thuế và tiền chậm nộp thay cho người nộp thuế.
2. Người nộp thuế được áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của Luật hải quan được thực hiện nộp thuế cho các tờ khai hải quan đã thông quan hoặc giải phóng hàng hóa trong tháng chậm nhất vào ngày thứ mười của tháng kế tiếp. Quá thời hạn này mà người nộp thuế chưa nộp thuế thì phải nộp đủ số tiền nợ thuế và tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế.
Như vậy, thời hạn để nộp thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với những đối tượng được nêu tại mục 1 nêu trên là trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa (ngoại trừ trường hợp được áp dụng chế độ ưu tiên).
Lời kết
Bài viết trên đã nêu lên 4 điểm quan trọng về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2023 mà các doanh nghiệp cần lưu ý. Tuy nhiên những chủ đề về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu còn rất nhiều điều mà các doanh nghiệp lĩnh vực xuất nhập khẩu cần quan tâm. Để cập nhật thêm những bài viết về chủ đề này, đừng quên theo dõi website của NewCA nhé.
CÔNG TY CỔ PHẦN NEWCA
- Tổng đài CSKH: 1900 2066
- Hotline: 0936 208 068
- Website: https://newca.vn/