Quy trình hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) là một việc khá phức tạp đối với người nộp thuế và doanh nghiệp muốn được hoàn thuế GTGT. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng được hoàn thuế GTGT.
- Vậy quy trình hoàn thuế GTGT là quy trình như thế nào?
- Làm sao để biết doanh nghiệp có thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT?
- Thời hạn giải quyết thủ tục hoàn thuế là bao lâu?
Bài viết dưới đây của NewCA sẽ giúp bạn giải đáp các vấn đề về quy trình hoàn thuế GTGT trên.
>>> Xem thêm: Tìm hiểu về phần mềm kế toán tại NewCA
Mục lục
Điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng
Để được hoàn thuế GTGT, các doanh nghiệp cần đảm bảo những điều kiện sau:
- Doanh nghiệp nộp thuế áp dụng phương pháp khấu trừ.
- Doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận kinh doanh, hoặc đã được cấp giấy phép hành nghề (giấy phép đầu tư), hoặc có quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền.
- Có con dấu căn cứ theo đúng quy định của Pháp luật.
- Thực hiện lập và lưu giữ sổ kế toán, các chứng từ kế toán theo đúng quy định của pháp luật về kế toán.
- Có tài khoản tiền gửi ngân hàng theo đúng mã số thuế của doanh nghiệp.
Chú ý: Trong trường hợp doanh nghiệp đã kê khai đề nghị hoàn thuế vào tờ khai thuế VAT thì không được kết chuyển thuế đầu vào đã đề nghị hoàn thuế vào số thuế được khấu trừ trong tháng tiếp sau đó.
Quy trình hoàn thuế GTGT
Sau khi xác nhận được doanh nghiệp của bạn thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT. Người nộp thuế cần thực hiện theo đúng quy trình hoàn thuế GTGT để được hoàn thuế. Quy trình hoàn thuế GTGT gồm các bước:
Bước 1. Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ
Tùy vào từng trường hợp, tùy vào từng dự án đầu tư, kinh doanh mà hồ sơ hoàn thuế GTGT sẽ khác nhau. Tuy nhiên, người nộp hồ sơ cần lưu ý, nếu đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức hay đơn vị không thuộc đơn vị kế toán lập báo cáo tài chính (BCTC) phải có văn bản ủy quyền của trụ sở chính khi làm thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng.
Bước 2. Nộp hồ sơ
Có 2 cách để nộp hồ sơ hoàn thuế GTGT. Người nộp thuế có thể gửi hồ sơ hoàn thuế điện tử hoặc nộp hồ sơ trực tiếp. Cụ thể:
Hồ sơ điện tử
Người nộp thuế có thể gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc Cổng thông tin điện tử khác theo đúng quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế mà pháp luật yêu cầu.
Việc tiếp nhận hồ sơ sẽ được thực hiện theo đúng quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế được pháp luật quy định.
Hồ sơ trực tiếp
Khi nộp hồ sơ trực tiếp, người nộp thuế cần nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế bằng giấy tại cơ quan thuế, công chức thuế sẽ phải kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ này theo đúng quy định. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, công chức thuế sẽ phải đề nghị người nộp thuế hoàn thiện đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật.
Trong trường hợp người nộp thuế gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế qua đường bưu chính, công chức thuế sẽ đóng dấu tiếp nhận hồ sơ, ghi ngày nhận hồ sơ và ghi sổ hồ sơ vào ứng dụng quản lý thuế.
Bước 3. Thời hạn giải quyết hoàn thuế GTGT
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, tính từ ngày ghi trên Thông báo tiếp nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế (hay hồ sơ điện tử), cơ quan thuế giải quyết hồ sơ hoàn thuế, sau đó trả Thông báo về việc chấp nhận hồ sơ hoàn thuế hoặc không chấp nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế (nếu hồ sơ điện tử không thuộc diện được hoàn thuế).
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, tính từ ngày tiếp nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế (hồ sơ giấy, hồ sơ trực tiếp), cơ quan thuế gửi Thông báo về việc chấp nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế, hoặc Thông báo về việc hồ sơ không đúng thủ tục đối với hồ sơ được gửi qua đường bưu chính, hoặc Thông báo về việc không được hoàn thuế trong trường hợp không thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT.
Cơ quan thuế sẽ giải quyết hồ sơ hoàn thuế xác định số tiền thuế được hoàn và không được hoàn, số tiền thuế người nộp thuế còn được hoàn trả, thực hiện lập đề xuất hoàn thuế và dự thảo Quyết định hoàn thuế, Thông báo về việc không được hoàn thuế (nếu có).
Cơ quan thuế sẽ cập nhật đầy đủ thông tin hồ sơ hoàn thuế trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế, cụ thể: hồ sơ khai thuế GTGT, hồ sơ đề nghị hoàn thuế, biên bản kiểm tra hoàn thuế (nếu có), quyết định về việc xử lý thuế qua thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế (nếu có), dự thảo Quyết định hoàn thuế và bù trừ thu ngân sách nhà nước hoặc Thông báo về việc không được hoàn thuế (nếu có).
Bước 4. Ban hành quyết định hoàn thuế và chi trả hoàn thuế
Dựa vào kết quả thẩm định và giám sát hồ sơ hoàn thuế căn cứ theo quy định, Cục trưởng Cục Thuế sẽ xem xét ký ban hành Quyết định hoàn thuế cho doanh nghiệp. Thời hạn ban hành Quyết định hoàn thuế chậm nhất không quá 6 ngày làm việc áp dụng đối với hồ sơ hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau; 40 ngày áp dụng đối với hồ sơ hoàn thuế thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau tính từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế.
Căn cứ theo Quyết định hoàn thuế, Cục Thuế sẽ thực hiện lập Lệnh hoàn trả Khoản thu ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp.
Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh sẽ tiếp nhận Quyết định hoàn thuế và Lệnh hoàn trả Khoản thu ngân sách nhà nước (hoặc Quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước và Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ Khoản thu ngân sách nhà nước) từ Cục Thuế gửi đến và thực hiện hoàn thuế cho người nộp thuế với thời hạn chậm nhất là 3 ngày làm việc tính từ ngày nhận được quyết định.
Tóm tắt bài viết
Điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng
– Doanh nghiệp nộp thuế áp dụng phương pháp khấu trừ và đã được cấp giấy chứng nhận kinh doanh.
– Có con dấu căn cứ theo đúng quy định của Pháp luật.
– Thực hiện lập và lưu giữ sổ kế toán, các chứng từ kế toán.
– Có tài khoản tiền gửi ngân hàng theo đúng mã số thuế của doanh nghiệp
Quy trình hoàn thuế GTGT
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Bước 2: Nộp hồ sơ
Bước 3: Thời hạn giải quyết thuế
Bước 4: Ban hành quyết định và chi trả thuế
Trên đây là bài viết “Quy trình hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp”, hy vọng bài viết của chúng tôi giúp ích được cho bạn trong việc hoàn thuế GTGT.
Công Ty Cổ Phần NewCA
- Tổng đài CSKH: 1900 2066
- Hotline: 0936 208 068
- Website: https://newca.vn/