Quy định tính lương khi người lao động nghỉ ốm

tính lương khi nghỉ ốm

Khi người lao động nghỉ ốm thì ngày lương đó sẽ được tính như thế nào là đúng quy định? Người lao động có được hưởng nguyên ngày lương khi nghỉ ốm không?

​​Khi nào người lao động nghỉ ốm được hưởng nguyên lương?

Chế độ nghỉ ốm hưởng nguyên lương được hiểu là người lao động nghỉ ốm đau và vẫn hưởng lương như ngày làm việc bình thường, doanh nghiệp thực hiện việc chi trả lương này. Trường hợp này người lao động sẽ dùng ngày phép năm để nghỉ ốm đau, tức ngày nghỉ chế độ ốm đau sẽ được tính như ngày nghỉ phép của người lao động.

Như vậy, để được nghỉ ốm hưởng nguyên lương, người lao động cần đáp ứng điều kiện sau:

  • Thời gian nghỉ ốm trùng với ngày nghỉ phép năm. Ngày nghỉ chế độ ốm đau sẽ được tính như ngày nghỉ phép của người lao động.
  • Người lao động thuộc đối tượng đủ điều kiện hưởng chế độ ốm đau theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH

Dẫn chiếu quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định như sau:

Điều kiện hưởng chế độ ốm đau

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 2 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP được hưởng chế độ ốm đau trong các trường hợp sau:

a) Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

b) Người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

c) Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

Thủ tục hưởng quyền lợi nghỉ ốm
Thủ tục hưởng quyền lợi nghỉ ốm

Nghỉ ốm 1 ngày có được hưởng lương không?

Nếu không may bị ốm, người lao động có thể xin nghỉ làm để hưởng một trong 02 chế độ sau đây: Nghỉ phép năm do bị ốm hoặc nghỉ hưởng chế độ ốm đau.

Người lao động chỉ được lựa chọn nghỉ theo một trong 02 chế độ kể trên bởi khoản 2 Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH nêu rõ, sẽ không giải quyết  hưởng chế độ ốm đau cho người lao động bị ốm đau, tai nạn (không phải là tai nạn lao động) trong thời gian đang nghỉ phép năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không lương.

Người lao động nghỉ ốm 01 ngày sẽ được hưởng lương nếu chọn phương án xin nghỉ phép năm để nghỉ ốm. Bởi theo khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động nghỉ hằng năm được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động.

Người lao động xin nghỉ phép năm khi bị ốm cần phải được người sử dụng lao động đồng ý.

Trong khi đó, nếu chọn phương án nghỉ hưởng chế độ ốm đau thì người lao động nghỉ ốm 01 ngày không được trả lương nhưng được hưởng trợ cấp từ cơ quan bảo hiểm xã  hội.

Theo Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, người lao động nghỉ ốm 01 ngày được hưởng trợ cấp ốm đau như sau:


Tiền trợ cấp ốm đau trong 01 ngày

=

75%

x

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc

:

24

Với cách này, người lao động nghỉ làm không cần người sử dụng lao động đồng ý nhưng cần báo cho người sử dụng lao động biết để họ chủ động sắp xếp công việc, cũng như sau này làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau gửi cơ quan bảo hiểm xã hội.

Thời gian nghỉ ốm hưởng nguyên lương là bao nhiêu ngày?

Căn cứ Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, thời gian nghỉ hàng năm của người lao động được tính như sau:

Nghỉ hằng năm

1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

2. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Như vậy, khi bị ốm đau, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ ốm hưởng nguyên lương với số ngày như sau:

(1) Đối với người lao động làm việc đủ 12 tháng

  • Được nghỉ 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
  • Được nghỉ 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
  • Được nghỉ 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

(2) Đối với người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng

  • Số ngày nghỉ hằng năm đối với người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động được tính theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Một tháng được nghỉ ốm tối đa bao nhiêu ngày?

Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 hiện chỉ quy định về thời gian nghỉ chế độ ốm đau tối đa trong 01 năm của người lao động với số ngày từ 30 đến 70 ngày làm việc/năm. Riêng trường hợp mắc bệnh cần điều trị ốm đau dài ngày thì được có thể nghỉ dài hơn rất nhiều, thậm chí thời gian nghỉ ốm có thể bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Pháp luật hiện không giới hạn thời gian nghỉ ốm trong 01 tháng nhưng người lao động có thể xin nghỉ ốm cả tháng, miễn sao đảm bảo tổng thời gian nghỉ ốm trong năm không vượt quá số ngày sau đây:

– Người lao động ốm đau không thuộc bệnh điều trị dài ngày:

  • Nếu làm việc trong điều kiện bình thường thì được nghỉ tối đa: 30 ngày làm việc nếu đã đóng bảo hiểm dưới 15 năm, 40 ngày làm việc nếu đã đóng bảo hiểm từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm, 60 ngày làm việc nếu đã đóng bảo hiểm từ đủ 30 năm trở lên.
  • Nếu làm nghề/công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 thì được nghỉ tối đa: 40 ngày làm việc nếu đã đóng bảo hiểm dưới 15 năm, 50 ngày làm việc nếu đã đóng bảo hiểm từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm, 70 ngày làm việc nếu đã đóng bảo hiểm từ đủ 30 năm trở lên.

– Người lao động mắc bệnh cần điều trị dài ngày:

  • Được nghỉ tối đa 180 ngày (bao gồm cả ngày lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần).
  • Hết thời hạn 180 ngày mà vẫn cần phải điều trị thì được nghỉ tiếp với thời gian tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
người lao động nghỉ ốm được tính lương thế nào?
Trường hợp nghỉ ốm 1 ngày có được hưởng lương không? Ảnh: Internet

Trách nhiệm của người sử dụng lao động với chế độ ốm đau ?

1. Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

2. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.

3. Giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 45 và Điều 55 của Luật này đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.

4. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động.

5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

6. Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội.

7. Định kỳ 06 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.

8. Hằng năm, niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định tại khoản 7 Điều 23 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Nef Digital SEOON