Nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa 2 khái niệm chuyển đổi số và số hóa. Vậy trong bài viết dưới đây NewCA sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ sự giống nhau, khác nhau giữa chuyển đổi số và số hóa.
Mục lục
1. Số hóa là gì?
Số hóa có thể hiểu là việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để chuyển đổi những thứ không phải là kỹ thuật số thành định dạng hoặc thao tác kỹ thuật số.
Ví dụ: Scan tài liệu giấy viết tay rồi chuyển đổi và lưu nó dưới dạng tài liệu kỹ thuật số (file PDF hoặc Excel chẳng hạn). Và sau đó, hệ thống máy tính có thể sử dụng các file tài liệu kỹ thuật số này tùy vào mục đích khác nhau.
Một ví dụ khác: như trong các thiết bị đo đạt được sử dụng trong công nghiệp sản xuất, thì kết quả của phép đo đạt sẽ được chuyển đổi từ số đọc thủ công (viết tay) hoặc cơ học (máy in) sang số đo điện tử. Và kết quả đó có thể kết nối với một phần mềm, ứng dụng nào đó để sử dụng số liệu kết quả này để xử lý các quá trình tiếp theo.
Hiện nay, số hóa thường được áp dụng sử dụng trong doanh nghiệp dưới hình thức số hóa dữ liệu lưu trữ của doanh nghiệp. Với việc áp dụng công nghệ này, sẽ giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí lưu trữ, tiết kiệm thời gian tìm kiếm, chia sẻ thông tin tiện lợi, tăng khả năng bảo mật thông tin, tránh việc bị hư hỏng tài liệu trong quá trình bảo quản và lưu trữ lâu dài, đặc biệt sẽ là một bước đệm lớn cho việc chuyển đổi số của doanh nghiệp sau này.
2. Chuyển đổi số là gì?
Khái niệm: Chuyển đổi số là quá trình ứng dụng số hóa và số hóa quy trình vào công việc kinh doanh. Đồng thời, người đứng đầu doanh nghiệp cần thay đổi tư duy để ứng dụng công nghệ số vào quy trình vận hành, nhằm quản lý tổ chức hiệu quả và tạo ra các giá trị mới.
Ví dụ: Các doanh nghiệp chuyển đổi từ thanh toán bằng tiền mặt sang hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như mobile money, ví điện tử, quét mã QR,… Để có thể thực hiện được việc này, doanh nghiệp cần thực hiện số hóa và số hóa quy trình để đưa thông tin lên hệ thống công nghệ, sau đó sử dụng các tiến bộ như big data, AI để phân tích, kết nối và triển khai các hình thức thanh toán tiện lợi này cho người mua và đơn vị bán hàng.
Chuyển đổi số không chỉ có sự tác động đến quá trình làm việc của doanh nghiệp. Mà bên cạnh đó còn tác động đến văn hóa tổ chức của công ty. Nó đòi hỏi doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt. Kể cả sự chuẩn bị tâm lý cho nhân viên. Đào tạo để họ có thể thích ứng với sự thay đổi.
Chuyển đổi số là xu hướng nổi bật tại nước ta cũng như trên khu vực và thế giới. Chuyển đổi số được ứng dụng trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau.
3. Phân biệt số hóa và chuyển đổi số
Sự giống nhau của số hóa và chuyển đổi số
Số hóa giống Chuyển đổi số ở khía cạnh áp dụng công nghệ nhằm cải thiện quy trình vận hành của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khác với Số hóa, Chuyển đổi số đòi hỏi quy trình làm việc và toàn bộ nguồn nhân lực phải được nâng cấp để trở nên linh hoạt hơn, thành thục về công nghệ hơn. Chuyển đổi số là một nỗ lực cần có lộ trình, kế hoạch chi tiết và cần rất nhiều thời gian để thực hiện. Không như Số hóa, Chuyển đổi số sẽ hoàn thiện với nhiều dự án khác nhau.
Sự khác nhau của số hóa và chuyển đổi số
Nội dung | Số hoá | Chuyển đổi số |
Yếu tố con người | Chưa được nhấn mạnh như một yếu tố quan trọng trong việc thực hiện số hóa. | Là một trong các yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc xây dựng và triển khai thành công lộ trình CDS. |
Thời gian thực hiện | Không có lộ trình thời gian thực hiện cụ thể. Thời gian triển khai thường ngắn, tùy thuộc vào phạm vi và nguồn lực thực hiện. | Có lộ trình thực hiện bài bản theo từng giai đoạn, thông thường kéo dài 3-5 năm và được đánh giá điều chỉnh hàng năm. |
Cơ sở thực hiện | Chưa có cơ sở rõ ràng. | Thực hiện dựa trên các cơ sở rõ ràng: – Có mục tiêu và định hướng. – Có lộ trình rõ ràng. – Sự quyết tâm của lãnh đạo. – Có đơn vị tư vấn bài bản. |
Lợi ích mang lại | Giúp doanh nghiệp duy trì phương thức hoạt động truyền thống theo cách nhanh hơn và tốt hơn. Hiệu quả về con số chưa được đo lường rõ ràng. Làm nền tảng cho CDS | Thay đổi toàn diện cách thức doanh nghiệp hoạt động, tương tác và/hoặc tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Tạo sự đột phá trong hoạt động và các hiệu quả mang lại có thể đo lường được. |
Như vậy, sự khác biệt giữa số hóa và chuyển đổi số thể hiện rõ nhất ở điểm: số hóa là bước đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số, nhằm đưa các thông tin lưu trữ ở dạng vật lý sang kỹ thuật số. Chuyển đổi số việc thay đổi tư duy và mô hình kinh doanh để ứng dụng những lợi ích mà số hóa và số hóa quy trình mang lại, để tiết kiệm chi phí, tăng hiệu suất công việc. Từ đó có thể tạo ra nhiều giá trình mới cho doanh nghiệp.