CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

Ký số là gì? Chữ ký số là gì?

Theo Luật giao dịch điện tử số ngày 29/11/2005 và Nghị định số 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số:

“Ký số là việc đưa khoá bí mật vào một chương trình phần mềm để tự động tạo và gắn chữ ký số vào thông điệp dữ liệu”.

“Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có thông điệp dữ liệu ban đầu và khoá công khai của người ký có thể xác định được chính xác:

  • Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khoá bí mật tương ứng với khoá công khai trong cùng một cặp khoá.
  • Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên”.
Khoá bí mật và khoá công khai là gì?
  • Khoá: Là một chuỗi các số nhị phân (0 và 1) dùng trong các hệ thống mật mã.
  • Trong chữ ký số người ta sử dụng “Hệ thống mật mã không đối xứng”: Là hệ thống mật mã có khả năng được tạo cặp khóa bao gồm khoá bí mật và khoá công khai.
  • Khoá bí mật: Là một khoá trong cặp khoá thuộc hệ thống mật mã không đối xứng, được dùng để tạo chữ ký số.
  • Khoá công khai: Là một cặp khoá trong cặp khoá thuộc hệ thống mật mã không đối xứng, được sử dụng để kiểm tra chữ ký số được tạo bởi khoá bí mật tương ứng trong cặp khoá.
Chứng thư số là gì?
  • Chứng thư số: là một dạng chứng thư điện tử, do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp nhằm cung cấp thông tin định danh cho khoá công khai của một cơ quan, tổ chức, cá nhân, từ đó xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân là người ký chữ ký số bằng việc sử dụng khoá bí mật tương ứng.
  • Chứng thư số có hiệu lực: Là chứng thư số chưa hết hạn, không bị tạm dừng hoặc bị thu hồi.
Chứng thư số công cộng là gì? Chứng thư số chuyên dùng là gì?
  • Chứng thư số công cộng: Là chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng trong các hoạt động công cộng.
  • Chứng thư số chuyên dùng: Là chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng cấp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng trong các hoạt động chuyên ngành hoặc lĩnh vực có cùng tính chất hoạt động hoặc mục đích công việc và được liên kết với nhau thông qua điều lệ hoạt động hoặc văn bản quy phạm pháp luật quy định cơ cấu tổ chức chung hoặc hình thức liên kết, hoạt động chung.
Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng là gì? Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng là gì?
  • Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng: Là tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thư số công cộng. Hoạt động của các tổ chức này là hoạt động kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật.
  • Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng: Là tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thư số chuyên dùng. Hoạt động của tổ chức này không nhằm mục đích kinh doanh, gồm:
    • Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ: cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cho các cơ quan Đảng, Nhà nước;
    • Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của cơ quan, tổ chức (sử dụng nội bộ trong hệ thống). Hoạt động này phải được đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Đại lý dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng là gì?

Đại lý chữ ký số là các thương nhân (tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân) hỗ trợ tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng trong việc cung ứng dịch vụ chứng thực chữ ký số tới thuê bao (khách hàng) theo hợp đồng đại lý để hưởng thù lao (hoa hồng hoặc chiết khấu thương mại).

Đại lý chữ ký số có các quyền và nghĩa vụ như sau:

  1. Thực hiện các quyền, nghĩa vụ của đại lý theo quy định của pháp luật về thương mại.
  2. Hướng dẫn đầy đủ hồ sơ, thủ tục cấp chứng thư số cho thuê bao.
  3. Niêm yết công khai quy trình cấp chứng thư số tại trụ sở đại lý.
  4. Bảo đảm kênh thông tin 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần để tiếp nhận yêu cầu từ thuê bao.
  5. Chịu trách nhiệm báo cáo khi có yêu cầu của cơ quan chức năng nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về dịch vụ chứng thực chữ ký số.
Dịch vụ chứng thực chữ ký số là gì?

Dịch vụ chứng thực chữ ký số là một loại hình dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cung cấp cho thuê bao để xác thực việc thuê bao là người đã ký số trên thông điệp dữ liệu. Dịch vụ chứng thực chữ ký số bao gồm:

  1. Tạo cặp khóa hoặc hỗ trợ tạo cặp khóa bao gồm khóa công khai và khóa bí mật cho thuê bao.
  2. Cấp, gia hạn, tạm dừng, phục hồi và thu hồi chứng thư số của thuê bao.
  3. Duy trì trực tuyến cơ sở dữ liệu về chứng thư số.
  4. Cung cấp thông tin cần thiết để giúp chứng thực chữ ký số của thuê bao đã ký số trên thông điệp dữ liệu
Dịch vụ cấp dấu thời gian (Time Stamp) là gì?
  1. Dịch vụ cấp dấu thời gian là dịch vụ giá trị gia tăng để gắn thông tin về ngày, tháng, năm và thời gian vào thông điệp dữ liệu.
  2. Dịch vụ cấp dấu thời gian được cung cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Việc cung cấp dịch vụ cấp dấu thời gian phải tuân theo các quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng đối với dịch vụ cấp dấu thời gian.
  3. Ngày, tháng, năm và thời gian được gắn vào thông điệp dữ liệu là ngày, tháng, năm và thời gian mà tổ chức cung cấp dịch vụ cấp dấu thời gian nhận được thông điệp dữ liệu đó và được chứng thực bởi tổ chức cung cấp dịch vụ cấp dấu thời gian.
  4. Nguồn thời gian của các tổ chức cung cấp dịch vụ cấp dấu thời gian phải tuân theo các quy định của pháp luật về nguồn thời gian chuẩn quốc gia.

 

Nội dung của chứng thư số gồm những gì?

Theo quy định tại Nghị định 130/2018/NĐ-CP, chứng thư số phải bao gồm các nội dung sau:

  1. Tên của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số.
  2. Tên của thuê bao.
  3. Số hiệu chứng thư số.
  4. Thời hạn có hiệu lực của chứng thư số.
  5. Khóa công khai của thuê bao.
  6. Chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số.
  7. Các hạn chế về mục đích, phạm vi sử dụng của chứng thư số.
  8. Các hạn chế về trách nhiệm pháp lý của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số.
  9. Thuật toán mật mã.
  10. Các nội dung cần thiết khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Giá trị pháp lý của chữ ký số trong các giao dịch trực tuyến?

Chữ ký số trong các giao dịch trực tuyến có giá trị pháp lý được quy định tại Điều 8, Nghị định 130/2018/NĐ-CP như sau:

  1. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số hợp lệ.
  2. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký số hợp lệ cơ quan, tổ chức.
Điều kiện đảm bảo an toàn mà chữ ký số cần đáp ứng?

Chữ ký số được xem là chữ ký điện tử an toàn khi đáp ứng các điều kiện sau:

  1. Chữ ký số được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khóa công khai ghi trên chứng thư số đó.
  2. Chữ ký số được tạo ra bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số do một tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (quốc gia/công cộng/chuyên dùng) cấp.
  3. Khóa bí mật chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký.
Hồ sơ đăng ký chữ ký số gồm những gì?

Để đăng ký sử dụng chữ ký số, Khách hàng (thuê bao) cần chuẩn bị và cung cấp các hồ sơ cho nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số như sau:

  1. Đơn cấp chứng thư số theo mẫu của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
  2. Giấy tờ kèm theo bao gồm:
    1. Đối với cá nhân: Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu;
    2. Đối với tổ chức: Quyết định thành lập hoặc quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư; chứng minh nhân dân, hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của tổ chức.
  3. Cá nhân, tổ chức có quyền lựa chọn nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu.
Chứng thư số (chữ ký số) của khách hàng (thuê bao) bị tạm dừng trong những trường hợp nào?

Chứng thư số của thuê bao bị tạm dừng trong các trường hợp sau đây:

  1. Khi thuê bao yêu cầu bằng văn bản và yêu cầu này đã được tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng xác minh là chính xác;
  2. Khi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng có căn cứ để khẳng định rằng chứng thư số được cấp không tuân theo các quy định tại các Điều 24 và 25 Nghị định này hoặc khi phát hiện ra bất cứ sai sót nào có ảnh hưởng đến quyền lợi của thuê bao và người nhận;
  3. Khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan công an hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông;
  4. Theo điều kiện tạm dừng chứng thư số đã được quy định trong hợp đồng giữa thuê bao và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
Chứng thư số (chữ ký số) của khách hàng (thuê bao) bị thu hồi trong những trường hợp nào?

Chứng thư số của thuê bao bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

  1. Khi thuê bao yêu cầu bằng văn bản và yêu cầu này đã được tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số của mình xác minh là chính xác;
  2. Khi thuê bao là cá nhân đã chết hoặc mất tích theo tuyên bố của tòa án hoặc thuê bao là tổ chức giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật;
  3. Khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan công an hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông;
  4. Theo điều kiện thu hồi chứng thư số đã được quy định trong hợp đồng giữa thuê bao và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
Thuê bao sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng có những quyền hạn và nghĩa vụ nào?

Thuê bao sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

  1. Quyền hạn:
    1. Yêu cầu tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cung cấp bằng văn bản những thông tin sau:
      1. Phạm vi, giới hạn sử dụng, mức độ bảo mật, chi phí liên quan đến việc cấp và sử dụng chứng thư số và những thông tin khác có khả năng ảnh hưởng đến quyền lợi của thuê bao;
      2. Yêu cầu đảm bảo sự an toàn trong lưu trữ và sử dụng khóa bí mật;
  • Thủ tục khiếu nại và giải quyết tranh chấp.
  1. Yêu cầu tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số của mình tạm dừng, thu hồi chứng thư số đã cấp và tự chịu trách nhiệm về yêu cầu đó.
  1. Nghĩa vụ:
    1. Cung cấp thông tin theo quy định một cách trung thực, chính xác cho tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
    2. Trường hợp tự tạo cặp khóa cho mình, thuê bao phải đảm bảo thiết bị tạo cặp khóa sử dụng đúng quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng.
    3. Lưu trữ và sử dụng khóa bí mật của mình một cách an toàn, bí mật trong suốt thời gian chứng thư số của mình có hiệu lực và bị tạm dừng.
    4. Thông báo trong thời gian 24 giờ cho tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số của mình nếu phát hiện thấy dấu hiệu khóa bí mật của mình đã bị lộ, bị đánh cắp hoặc sử dụng trái phép để có các biện pháp xử lý.
    5. Khi đã đồng ý để tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng công khai chứng thư số của mình hoặc khi đã cung cấp chứng thư số đó cho người khác với mục đích để giao dịch, thuê bao được coi là đã cam kết với người nhận rằng thuê bao là người nắm giữ hợp pháp khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trên chứng thư số đó và những thông tin trên chứng thư số liên quan đến thuê bao là đúng sự thật, đồng thời phải thực hiện các nghĩa vụ xuất phát từ chứng thư số đó.
Người ký trước khi thực hiện ký số cần phải lưu ý những gì?

Trước khi ký số, người ký phải thực hiện quy trình kiểm tra trạng thái chứng thư số như sau:

  1. Kiểm trang trạng thái hiệu lực của chứng thư số, nếu chứng thư số không còn hiệu lực thì không thực hiện giao dịch ký số.
  2. Kiểm tra nội dung các văn bản, tài liệu, giao dịch cần ký kết đảm bảo tuân thủ đúng vai trò, thẩm quyền và quy định có liên quan.
Người nhận thông điệp dữ liệu được ký số cần làm gì?

Trước khi chấp nhận chữ ký số của người ký, người nhận phải kiểm tra các thông tin sau:

  1. Trạng thái chứng thư số, phạm vi sử dụng, giới hạn trách nhiệm và các thông tin trên chứng thư số của người ký;
  2. Chữ ký số phải được tạo bởi khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trên chứng thư số của người ký;
  3. Đối với chữ ký số được tạo ra bởi chứng thư số nước ngoài được cấp giấy phép sử dụng tại Việt Nam, người nhận phải kiểm tra hiệu lực chứng thư số trên cả hệ thống của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia và hệ thống của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài cấp chứng thư số đó.
USB Token là gì?

Thiết bị USB Token là một thiết bị chứa các dữ liệu mã hóa và thông tin chứng thư số của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Thiết bị Token này được dùng để xác nhận thay cho chữ ký của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đó trên các loại văn bản và tài liệu số được thực hiện trong các giao dịch điện tử qua mạng internet.

USB Token chữ ký số, hỗ trợ xác thực hai nhân tố (Token + PIN code)  với công nghệ thẻ thông minh (smartcard) tiên tiến. Công nghệ của Token dựa trên chứng thư số tạo và lưu thông tin bí mật, như các khóa riêng, mật khẩu PIN code và chứng thư số bên trong môi trường bảo vệ của chip thẻ thông minh. Để xác thực, người sử dụng phải cung cấp đồng thời thiết bị Token và mật khẩu PIN code.

Thiết bị HSM là gì?

Thiết bị HSM (chữ viết tắt của tên tiếng Anh:  Hardware Security Module) là một thiết bị vật lý chuyên dụng, có độ tin cậy và bảo mật cao, thực hiện các hoạt động mật mã bao gồm: mã hoá, giải mã, xác thực, quản lý khoá, trao đổi khoá …

HSM là thiết bị bảo mật chuyên dụng nhằm mục đích lưu trữ và bảo vệ các tài liệu mật mã với hệ điều hành cực mạnh và quyền truy cập mạng được kiểm soát chặt chẽ, được bảo vệ thông qua tường lửa, hầu như không thể bị xâm phạm. HSM cũng là thiết bị chống giả mạo và có bằng chứng giả mạo.

Vì những lý do trên, HSM được coi là thiết bị gốc trong hệ thống mật mã của nền tảng kỹ thuật bảo mật của nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Ở Việt Nam, thiêt bị HSM được coi là đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật là thiết bị đáp ứng tiêu chuẩn FIPS PUP 140 – 2 (mức yêu cầu tối thiểu là level 2). Thiết bị HSM có cơ chế tạo khoá ngẫu nhiên với tốc độ cực lớn, tính bảo mật cao nên được sử dụng trong các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, các tổ chức và doanh nghiệp có hệ thống lớn như: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bệnh viện, tập đoàn …

Chữ ký số được áp dụng trong các lĩnh vực nào?

Chữ ký số đã, và đang đóng vai trò quan trọng trong các giao dịch trực tuyến, đảm bảo tính bảo mật cao, được pháp luật công nhận về giá trị pháp lý, nền tảng công nghệ hiện đại giúp các tổ chức, doanh nghiệp, người dân thực hiện các giao dịch điện tử một cách nhanh chóng, thuận tiện. Chữ ký số hiện đang ứng dụng trên các lĩnh vực sau:

  1. Ứng dụng trong các giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước (dịch vụ công trực truyến): thuế điện tử, hải quan điện tử, BHXH điện tử, CO điện tử…
  2. Ứng dụng trong các giao dịch điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B): hợp đồng điện tử, hoá đơn điện tử,
  3. Ứng dụng trong các giao dịch giữa cá nhân với doanh nghiệp (C2B): hợp đồng điện tử, ngân hàng điện tử, chứng khoán điện tử, tín dụng điện tử, sức khoẻ điện tử,…
  4. Ứng dụng trong các giao dịch giữa người dân với Nhà nước (C2G).
Chữ ký số và những con số?

Tính đến 31/12/2021:

  1. 21 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng đã được Bộ Thông tin và truyền thông cấp phép.
  2. Hơn 4.000.000 chữ ký số đã được cấp ra
  3. Hơn 1.500.000 chứng thư số đang hoạt động.
  4. Hơn 800.000 chữ ký số được ứng dụng trong lĩnh vực thuế điện tử
  5. Hơn 500.000 chữ ký số được ứng dụng trong lĩnh vực BHXH điện tử
  6. Hơn 250.000 chữ ký số được ứng dụng trong lĩnh vực hải quan điện tử.