Đóng trùng bảo hiểm xã hội: Nguyên nhân và cách xử lý

Đóng trùng bảo hiểm xã hội: Nguyên nhân và cách xử lý

Đóng trùng bảo hiểm xã hội là tình huống thường xảy ra trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, đặc biệt là đối với người lao động làm việc tại nhiều doanh nghiệp. Vậy đóng trùng BHXH là gì, nguyên nhân do đâu và cách xử lý như thế nào? Để nắm được thông tin chi tiết, bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây.

Đóng trùng bảo hiểm xã hội là gì?

Đóng trùng bảo hiểm xã hội là việc người lao động tham gia bảo hiểm xã hội ở hai công ty trong cùng một khoảng thời gian nhất định. Đây là tình trạng thường xảy ra do người lao động làm việc tại nhiều doanh nghiệp hoặc do vấn đề xảy ra trong quá trình chuyển giao bảo hiểm xã hội từ công ty này đến công ty khác.

Khoản 1 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH đã chỉ rõ: 

Người lao động có đồng thời từ 2 hợp đồng lao động trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì phải đóng BHXH, BHTN theo HĐLĐ đã giao kết đầu tiên; đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất và đóng BHTNLĐ, BNN theo từng HĐLĐ”.

Như vậy, người lao động chỉ được tham gia bảo hiểm xã hội ở một nơi (kể cả trường hợp làm việc ở nhiều công ty một lúc). Việc một người đóng trùng bảo hiểm xã hội ở hai nơi sẽ không phù hợp với quy định của pháp luật và khi đóng trùng, người lao động sẽ không được giải quyết việc hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội như thông thường.

Đóng trùng bảo hiểm xã hội là gì?
Đóng trùng bảo hiểm xã hội là gì?

Cách xử lý tình trạng đóng trùng bảo hiểm xã hội

Khi đóng trùng bảo hiểm xã hội, quy trình xử lý sẽ diễn ra theo ba giai đoạn: giảm trùng thời gian đóng bảo hiểm xã hội, gộp sổ bảo hiểm xã hội và hoàn trả số tiền đóng bảo hiểm xã hội trên sổ có thời gian đóng trùng.

Giảm thời gian đóng trùng bảo hiểm xã hội

Theo Công văn số 3663/BHXH-THU về Hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến gộp sổ BHXH của người lao động có nhiều sổ: “NLĐ có quá trình tham gia BHXH trùng nhau thì phải giảm quá trình đóng trùng tương ứng. Nếu sổ có thời gian chưa hưởng chế độ mà trùng với sổ có thời gian đã hưởng trợ cấp 1 lần thì trợ cấp thất nghiệp cũng phải giảm trùng đến tháng liền kề của sổ đã hưởng trước đó. Khi giảm trùng thì phải thu hồi lại số tiền trợ cấp BHXH đã hưởng (nếu có)”.

Như vậy, khi rơi vào tình huống đóng trùng bảo hiểm xã hội, người lao động cần thông báo và đề nghị một trong hai doanh nghiệp đang đóng BHXH tiến hành làm thủ tục giảm trùng. Hồ sơ làm thủ tục giảm trùng thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ gồm có các giấy tờ như sau:

  • Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu tờ khai TK3-TS).
  • Danh sách người lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Theo mẫu mẫu D02-LT).
  • Bảng kê thông tin (nếu có) (Theo mẫu D01-TS).

Về việc nộp sổ bảo hiểm xã hội để làm thủ tục giảm trùng:

  • Người lao động thuộc doanh nghiệp sẽ nộp cho doanh nghiệp hiện đang làm việc để chuyển hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
  • Người lao động tự do sẽ nộp trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang tham gia bảo hiểm xã hội.
Cách xử lý tình trạng đóng trùng bảo hiểm xã hội
Cách xử lý tình trạng đóng trùng bảo hiểm xã hội

Gộp sổ bảo hiểm xã hội

Tại Khoản 5 Điều 46 Quyết định số 959/2015/QĐ-BHXH: “1 người có từ 2 sổ BHXH trở lên ghi thời gian đóng BHXH không trùng nhau thì cơ quan BHXH sẽ thu hồi tất cả các sổ BHXH. Sau đó hoàn chỉnh lại cơ sở dữ liệu và in thời gian đóng, hưởng BHXH, BHTN của các sổ BHXH vào sổ mới. Số BHXH sẽ được cấp lại với số của sổ BHXH có thời gian tham gia BHXH sớm nhất”.

Theo quy định, một người lao động sẽ không được có hai sổ bảo hiểm xã hội. Vì vậy, trường hợp người lao động có hai sổ BHXH trở lên, cơ quan BHXH sẽ gộp sổ bằng cách thu hồi các sổ hiện có. Sổ bảo hiểm xã hội mới sẽ được cấp lại theo số sổ có thời gian tham gia sớm nhất để đảm bảo những lợi ích người lao động sẽ được hưởng.

Hoàn trả số tiền đóng trùng bảo hiểm xã hội 

Khoản 3 Điều 43 Quyết định 595/QĐ-BHXH chỉ rõ:

Trường hợp 1 người có từ 2 sổ BHXH trở lên với thời gian đóng BHXH, BHTN trùng nhau, cơ quan BHXH sẽ thực hiện hoàn trả cho người lao động:

  • Số tiền mà đơn vị và người lao động đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.
  • Số tiền đã đóng vào quỹ BHTN (bao gồm cả số tiền thuộc trách nhiệm đóng BHXH, BHTN của người sử dụng lao động), trong đó không bao gồm tiền lãi”.

Theo Điều 26 Quyết định 595/QĐ-BHXH, để làm hồ sơ hoàn trả số tiền đóng trùng bảo hiểm xã hội, người lao động cần chuẩn bị:

  • Tờ khai theo mẫu TK1-TS về tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT.
  • Tất cả các sổ BHXH hiện đang đóng trùng.

Tóm tắt bài viết

Đóng trùng bảo hiểm xã hội là gì?

Đóng trùng bảo hiểm xã hội là việc người lao động tham gia bảo hiểm xã hội ở hai công ty trong cùng một khoảng thời gian nhất định.

Quy trình xử lý tình trạng đóng trùng bảo hiểm xã hội gồm những giai đoạn nào?

Quy trình xử lý sẽ diễn ra theo ba giai đoạn: giảm trùng thời gian đóng bảo hiểm xã hội, gộp sổ bảo hiểm xã hội và hoàn trả số tiền đóng bảo hiểm xã hội trên sổ có thời gian đóng trùng.

Đóng trùng bảo hiểm xã hội là tình huống không hiếm gặp trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động. Hy vọng với các thông tin quan trọng được cung cấp trong bài viết trên, người lao động sẽ có thể nắm được nguyên nhân, cách xử lý, nhanh chóng giải quyết tình trạng đóng trùng bảo hiểm xã hội và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

CÔNG TY CỔ PHẦN NEWCA

Nef Digital SEOON