Tổng hợp đầy đủ 6 công việc kế toán cần làm trong tháng 3/2024.
Mục lục
1. Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023
Doanh nghiệp thực hiện quyết toán thuế năm 2023 đối với thuế thu doanh nghiệp như sau:
– Thời hạn khai quyết toán thuế: chậm nhất là ngày 31/3/2024 (tuy nhiên ngày cuối cùng của thời hạn rơi vào ngày nghỉ hàng tuần (Chủ nhật) nên hạn chót của thời hạn được tính là ngày làm việc liền kề sau ngày nghỉ đó là thứ Hai ngày 01/4/2024).
– Hồ sơ khai quyết toán thuế năm.
Lưu ý: Hướng dẫn quyết toán thuế năm đối với thuế thu nhập doanh nghiệp nêu trên áp dụng đối với doanh nghiệp có kỳ tính thuế theo năm dương lịch (trừ thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng vốn của nhà thầu nước ngoài; thuế thu nhập doanh nghiệp kê khai theo phương pháp tỷ lệ trên doanh thu theo từng lần phát sinh hoặc theo tháng).
(Căn cứ điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, điểm a khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019, khoản 1 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP).
2. Quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2023 cho người lao động
Doanh nghiệp trả thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế và quyết toán thay cho các cá nhân có ủy quyền do doanh nghiệp trả thu nhập chi trả, không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế.
Theo đó, doanh nghiệp thực hiện quyết toán thuế năm 2023 đối với thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công cho người lao động như sau:
– Thời hạn khai quyết toán thuế: chậm nhất là Chủ nhật ngày 31/3/2024 nhưng do rơi vào ngày nghỉ hàng tuần nên hạn chót được dời sang thứ Hai ngày 01/4/2024.
Lưu ý: Trường hợp doanh nghiệp trong năm 2023 không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
(Căn cứ điểm d khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, điểm a khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019).
3. Thông báo tình hình biến động lao động tháng 02/2024 (nếu có)
– Thời gian thực hiện: Trước ngày 03/03/2024.
– Căn cứ pháp lý: Quy định tại khoản 6 Điều 32 của Nghị định 28/2015/NĐ-CP được hướng dẫn bởi khoản 3 Điều 16 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH.
Thông báo tình hình biến động lao động là một phần quan trọng của việc quản lý nhân sự trong doanh nghiệp. Đây là cơ hội để doanh nghiệp cập nhật thông tin về số lượng nhân viên, biến động trong lực lượng lao động trong tháng trước đó. Việc này giúp cho các bộ phận quản lý nhân sự có cái nhìn tổng quan về tình hình nhân sự, từ đó đưa ra các quyết định phù hợp về quản lý lao động và kế hoạch phát triển nhân sự trong tương lai.
4. Khai thuế giá trị gia tăng cho tháng 02/2024
Doanh nghiệp thuộc diện khai thuế giá trị gia tăng theo tháng sẽ phải nộp tờ khai thuế và tiền thuế giá trị gia tăng trong tháng 3/2024 như sau:
– Thời hạn nộp tờ khai và tiền thuế: chậm nhất là ngày 20/3/2024 (thứ Tư).
– Tờ khai thuế: công ty sẽ phải sử dụng mẫu tờ khai thuế giá trị gia tăng tương ứng với phương pháp tính thuế mà công ty đang áp dụng.
Lưu ý: Đối với doanh nghiệp khai thuế giá trị gia tăng theo quý thì chưa phải thực hiện nộp tờ khai và tiền thuế trong tháng 03/2024.
(Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, điểm a khoản 1 Điều 44 và khoản 1 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019).
5. Trích đóng bảo hiểm bắt buộc cho người lao động tháng 3/2024
Doanh nghiệp (trừ trường hợp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp) có trách nhiệm đóng và trích từ tiền lương của người lao động để đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bắt buộc cho người lao động. Cụ thể như sau:
– Thời hạn đóng bảo hiểm: chậm nhất là ngày 31/3/2024.
– Phương thức đóng:
+ Tiền trích đóng BHXH và BHYT của tất cả người lao động phải được chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.
+ Doanh nghiệp đóng BHTN và trích tiền lương của từng người lao động theo mức quy định để đóng cùng một lúc vào Quỹ BHTN.
(Căn cứ khoản 1 Điều 7, Điều 16, khoản 1 Điều 17 và khoản 1 Điều 19 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 2 Quyết định 490/QĐ-BHXH ngày 28/3/2023).
6. Trích nộp kinh phí công đoàn
Căn cứ Điều 5 và Điều 6 Nghị định 191/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, tức là cụ thể chậm nhất là vào ngày 31/3/2024.
Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng BHXH.