Nhiều kế toán còn thắc mắc không biết hạch toán khoản chi phí nghỉ mát cho nhân viên ra sao để hợp lý và đúng quy định. NewCA đã tổng hợp những quy định về chi phí nghỉ mát cho nhân viên trong bài viết dưới đây để chị em kế toán tham khảo nhé!
Mục lục
Chi phí nghỉ mát có được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN không?
Tại điểm 2.30 khoản 2 điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC có sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC đã quy định như sau:
“Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.6, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.11 Điều này) và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.”
Như vậy: Chi phí nghỉ mát được tính vào chi phí được trừ, nhưng đây là một trong những khoản chi bị khống chế. Cụ thể, khoản này và các khoản có tính chất phúc lợi khác không được vượt quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm của doanh nghiệp.
>>> Xem thêm: Tìm hiểu về phần mềm kế toán tại NewCA
Công ty cho nhân viên đi nghỉ mát có được tính chi phí hợp lý không?
Căn cứ vào Khoản 4, Điều 3 của Thông tư 25/2018/TT-BTC, các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm như sau:
– Chi phúc lợi trực tiếp cho người lao động: Tổng số chi phúc lợi nêu trên không vượt quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
+ Chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động.
+ Chi nghỉ mát.
+ Chi hỗ trợ điều trị.
– Để đưa khoản phúc lợi nghỉ mát vào chi phí hợp lý và được trừ, phải đáp ứng các điều kiện sau:
Thứ nhất, tổng số chi nghỉ mát không vượt quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế theo quy định.
+ 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp được tính bằng cách chia quỹ tiền lương thực hiện trong năm cho 12 tháng.
+ Trong trường hợp doanh nghiệp hoạt động không đủ 12 tháng, 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế được tính bằng cách chia quỹ tiền lương thực hiện trong năm cho số tháng thực tế hoạt động trong năm.
Trong đó, quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả trong năm quyết toán đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định. Quỹ này không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế.
Thứ hai, các khoản chi nghỉ mát cần có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định, bao gồm:
+ Hợp đồng với công ty du lịch.
+ Bảng danh sách người lao động tham gia.
+ Hóa đơn tiền phòng, ăn uống, đi lại…
Đối với các khoản chi có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT), khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không sử dụng tiền mặt.
Theo quy định trong Thông tư 25/2018/TT-BTC, công ty có thể tính chi phí hợp lý cho việc đi nghỉ mát của nhân viên, miễn là các điều kiện sau được đáp ứng:
– Tổng số chi phúc lợi nghỉ mát không vượt quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
– Các khoản chi phải có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định, bao gồm hợp đồng với công ty du lịch, bảng danh sách người lao động tham gia, hóa đơn tiền phòng, ăn uống, đi lại và các chứng từ khác liên quan.
– Đối với các khoản chi có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (đã bao gồm thuế GTGT), khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không sử dụng tiền mặt.
– Quyết định đi nghỉ mát và phê duyệt kinh phí đi kèm phải được Giám đốc công ty thực hiện.
Vì vậy, nếu công ty đáp ứng đủ các điều kiện trên, việc cho nhân viên đi nghỉ mát có thể được tính là một chi phí hợp lý và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Chi phí nghỉ mát có được khấu trừ thuế GTGT
Căn cứ theo Công văn 4005/TCT-CS ngày 29/09/2015 của Tổng cục thuế gửi Cục Thuế tỉnh Đồng Nai nêu trên thì còn có hướng dẫn về việc khấu trừ thuế GTGT đối với các khoản chi phí nghỉ mát như sau:
Xem chi tiết hướng dẫn tại Công văn 4005/TCT-CS:
Doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đối với những khoản chi phúc lợi tương ứng với các khoản tiền được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nêu trên nếu đáp ứng được các điều kiện về khấu trừ sau:
Phải có hóa đơn GTGT hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào trong quá trình đi nghỉ mát.
Đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào có giá từ 20 triệu đồng trở lên thì phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ của một nhà cung cấp có giá trị dưới 20 triệu đồng nhưng mua nhiều lần trong cùng một ngày và có tổng giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
Ngoài ra, theo hướng dẫn tại Công văn 4003/TCT-CS ngày 17/10/2018 của Tổng cục thuế về việc khấu trừ thuế GTGT như sau:
“Trường hợp doanh nghiệp có phát sinh chi phí mua hàng hóa bên ngoài để làm quà trung thu, quà tết cho cán bộ, công nhân viên không dùng quỹ phúc lợi thì nếu khoản chi phí mua hàng hóa dùng làm quà cho nhân viên không vượt quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế theo quy định thì công ty được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN và được khấu trừ thuế GTGT đầu vào tương ứng với phần tính vào chi phí được trừ, đồng thời Công ty phải lập hóa đơn GTGT theo quy định.”
Như vậy, tóm tắt quy định trên cho thấy đối với khoản chi phí nghỉ mát (phúc lợi) cho người lao động thì doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT tương ứng với khoản tiền được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN của doanh nghiệp.
Bộ chứng từ cần chuẩn bị để chi phí nghỉ mát là chi phí được trừ
Bất cứ khoản chi nào của doanh nghiệp, các bạn muốn bảo vệ cũng cần có một bộ chứng từ chặt chẽ và đầy đủ. Với chi nghỉ mát cho nhân viên, các bạn cần chuẩn bị đầy đủ những hồ sơ sau:
- Quy chế tài chính, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động,….. có quy định rõ Công ty có tổ chức tham quan nghỉ mát cho người lao động.
- Quyết định về việc tổ chức nghỉ mát của Giám đốc doanh nghiệp (kèm theo danh sách nhân viên đăng ký đi nghỉ mát)
- Hợp đồng với tour du lịch (Nếu DN đi theo hình thức thuê công ty du lịch tổ chức tour)
- Hóa đơn tour du lịch (Nếu DN đi theo hình thức thuê công ty du lịch tổ chức tour)
- Hóa đơn, các chứng từ phát sinh tại tour du lịch (Nếu doanh nghiệp đi theo hình thức tự tổ chức: hóa đơn đi lại, thuê xe, vé máy bay, tiền ăn, tiền ở, tiền tổ chức các hoạt động teambuilding…)
- Chứng từ thanh toán (Nếu tổng giá trị trên hóa đơn từ 20.000.000 trở lên bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng)
- Ngoài những chứng từ trên, bạn có thể có thêm một vài chứng từ khác như: Tờ trình tổ chức nghỉ mát, bảng dự trù kinh phí đi nghỉ mát,….
Hướng dẫn hạch toán chi phí nghỉ mát
Dựa trên căn cứ theo khoản 2, Điều 63, Thông tư số 200/2014/TT-BTC hướng dẫn về việc hạch toán chi phí nghỉ mát cho nhân viên, chúng ta có thể tổng hợp cách hạch toán chi phí nghỉ mát như sau:
- Trường hợp doanh nghiệp có trích lập quỹ phúc lợi và sử dụng quỹ phúc lợi để chi cho hoạt động nghỉ mát, trợ cấp khó khăn cho công nhân viên và người lao động thì ghi:
Nợ TK 353 – Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3532)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu được khấu trừ), (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331.
- Trường hợp doanh nghiệp không trích lập quỹ phúc lợi và mà sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu của công ty để để chi cho hoạt động nghỉ mát, trợ cấp khó khăn cho công nhân viên và người lao động thì ghi:
Nợ TK 642- Chi phí quản lý doanh nghiệp
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu được khấu trừ), (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331.
Kết luận
Trên đây là một vài thông tin cơ bản giúp người làm kế toán có thể hiểu hơn về chi phí nghỉ mát trong doanh nghiệp. Ngoài việc tổng hợp các kiến thức hữu ích trong lĩnh vực kế toán thì NewCA cũng đồng thời cung cấp phần mềm kế toán CyberBook mang đến giải pháp quản trị tài chính kế toán tổng thể vừa đơn giản, thông minh vừa an toàn chính xác.
CyberBook là phần mềm kế toán trực tuyến được cung cấp bởi Công ty Cổ phần CyberLotus – đối tác tin cậy trong lĩnh vực cung cấp giải pháp công nghệ số tại Việt Nam hiện nay.
Được nghiên cứu và phát triển dựa trên nền tảng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về phần mềm kế toán, CyberBook đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn áp dụng tại các đơn vị kế toán trên thị trường.
Tìm hiểu và đăng ký tư vấn miễn phí về phần mềm kế toán tại: https://newca.vn/dich-vu-phan-mem-ke-toan/