Bạn đang thắc mắc để làm hồ sơ thất nghiệp cần chuẩn bị những giấy tờ gì? Nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp ở đâu? Đừng lo nhé, NewCA sẽ giúp bạn giải đáp 2 câu hỏi trên trong bài viết chi tiết dưới đây.
Mục lục
Những giấy tờ cần thiết để làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Căn cứ theo quy định tại Điều 16, Nghị định 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ, hồ sơ đề nghị hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp sẽ bao gồm các giấy tờ sau:
1 – Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.
2 – Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:
a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
b) Quyết định thôi việc;
c) Quyết định sa thải;
d) Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
đ) Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng đó.
3 – Bản chính sổ bảo hiểm xã hội
Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của người sử dụng lao động.
Đối với người sử dụng lao động là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thì trong thời hạn 30 ngày, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân thực hiện xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động kể từ ngày nhận được đề nghị của người sử dụng lao động.
Đối với hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp nộp online thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, người lao động cần chuẩn bị bản chụp hoặc scan một trong các giấy tờ chứng minh việc chấm dứt hợp đồng lao động/làm việc rồi tải lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Hồ sơ online không yêu cầu nộp sổ BHXH nhưng người lao động phải đảm bảo toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp của mình đã được cơ quan BHXH xác nhận trên hệ thống.
Xem thêm bài viết: Các lưu ý quan trọng về bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp năm 2023
Người lao động khi thất nghiệp cần chuẩn bị giấy tờ đầy đủ để làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Internet
Nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp ở đâu?
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm quy định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
1. Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP cũng hướng dẫn về vấn đề này như sau:
1. Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
Như vậy, nơi nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp được xác định là trung tâm dịch vụ việc làm. Người lao động được nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tại bất kì trung tâm dịch vụ việc làm nào mà mình muốn nhận.
Vì vậy, để thuận tiện cho quá trình nhận tiền trợ cấp và làm thủ tục thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng, người lao động có thể tùy chọn trung tâm dịch vụ việc làm tại nơi mình sinh sống hoặc nơi trước đây mình làm việc.
Trên đây là những giải đáp chi tiết 2 câu hỏi “Hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp cần giấy tờ gì” và “Nộp bảo hiểm thất nghiệp ở đâu”. Hy vọng bài viết trên sẽ hữu ích, cung cấp thêm kiến thức về bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động động trong quá trình chuẩn bị nghỉ việc.